Thương mại điện tử (TMĐT) nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam những năm vừa qua. Theo Báo cáo mới công bố của Amazon, các nhà bán hàng Việt Nam đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên nền tảng này. Tương ứng, giá trị xuất khẩu của các nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng tăng hơn 45% trong năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy số lượng nhà bán hàng tăng hơn 80%, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Top danh mục các ngành bán chạy hàng đầu năm nay của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình. Một số thương hiệu thành công trên nền tảng kể tên có AnEco, Lafooco, Sunhouse…
Tại buổi chia sẻ mới đây, ông Gijae Seong – Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam – cho biết Việt Nam hiện là nước có tốc độ bán hàng TMĐT xuyên biên giới lớn nhất trong khu vực (trên nền tảng Amazon). Điều này cũng khiến ông nhớ lại ngày đầu Amazon đến Việt Nam.
Ra mắt vào tháng 10/2019 cũng là ngay cao điểm đại dịch, Amazon mang tâm thế “phải xem xét thị trường này”. Bởi, dù là nước ghi nhận kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, song phần lớn hàng hoá xuất từ Việt Nam là của các doanh nghiệp FDI đặt nhà máy tại đây. Kế đến là nhóm hàng truyền thống như gạo, cà phê, dệt may… tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô.
Thông qua Amazon, những nhóm hàng xuất khẩu mới có thể kể đến đồ gỗ, hàng gia dụng, dược mỹ phẩm. Mặt khác, nếu trước đây chủ yếu xuất khẩu qua kênh B2B, thì nay với nền tảng TMĐT xuyên biên giới doanh nghiệp sẽ tiếp cận bênh B2C nhiều hơn, tức bán trực tiếp cho khách hàng cuối trên thị trường Mỹ, châu Âu. Thông qua đó, thương hiệu hàng hoá Việt Nam sẽ được chú trọng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi suy thoái kinh tế toàn cầu khiến xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, Amazon nổi lên như một giải pháp thay thế. Dù chưa có thống kê cụ thể, song theo đại diện Amazon Việt Nam giá trị xuất khẩu quý đầu năm vẫn tăng trưởng dương. Amazon cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp có doanh số lên đến triệu USD, cũng như đơn vị nhanh chóng đạt được mốc 500.000 USD sau năm đầu tiên bán hàng trực tuyến.
Dù vậy, xuất khẩu qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm đâu đó 1% tổng kim ngạch hàng năm. Nguyên nhân theo ông Gijae Seong trước hết là do thị trường còn rất mới. Sau 3 năm, tín hiệu khả quan Amazon quan sát được là: thay vì phải thuyết phục doanh nghiệp “Bán hàng xuyên biên giới là gì?”, nền tảng sẽ chú trọng vào câu hỏi “Làm thế nào để bán hàng xuyên biên giới hiệu quả?”. Amazon theo đó cũng chuyển dịch từ việc quản lý theo khu vực sang quản lý theo từng ngành hàng, từ đó có thể có những chương trình, chính sách chi tiết hơn cho từng sản phẩm.
Nguyên nhân thứ hai nằm tại các vấn đề về logistics. Một số quan tâm của doanh nghiệp khi tham gia Amazon bao gồm: chi phí logistic, sự an toàn của hàng hóa, chọn lựa phương thức vận chuyển nào (đường bộ, đường biển hay đường hàng không) và cả các vấn đề liên quan đến luật pháp hay quy định ở quốc gia hàng hóa xuất và nhập khẩu.
Cuối cùng, rào cản về “compliance” (những quy tắc, thông số kỹ thuật, chính sách và tiêu chuẩn mà bên bán phải đáp ứng). Nếu trước đây, một doanh nghiệp xuất khẩu được chỉ định sẽ có sẵn bản “compliance” chi tiết để làm theo, thì nay doanh nghiệp phải tự tìm hiểu. Điều này tốn nhiều thời gian hơn. Amazon mới đây đã lập đội hỗ trợ nhà bán hàng “in-house. Cụ thể, đội này sẽ hỗ trợ tất cả các khâu trong giai đoạn đầu tham gia thị trường ngoại, từ cách đáp ứng “compliance” đến chiến lược marketing hay cập nhật những xu hướng bán hàng mới trên thế giới.
Bất chấp những thử thách kể trên, nhìn chung các doanh nghiệp Việt đã và đang có sự thay đổi về tâm thế. Họ nhận thấy rằng TMĐT xuyên biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh, xuất khẩu, giúp gia tăng doanh thu và mức độ phổ biến của thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của TMĐT xuyên biên giới, mức độ sẵn sàng tham gia cũng cao hơn.
“Số lượng doanh nghiệp Việt tham gia bán hàng qua Amazon tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước đó. Số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra cho khách hàng Amazon trên toàn cầu cũng đạt tới gần 10 triệu sản phẩm, tăng 35%. Có thể nói đây là con số rất ấn tượng để thể hiện sự hào hứng của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sân chơi TMĐT xuyên biên giới này” , báo cáo của Amazon ghi nhận.
Song song, trong 2 năm gần đây, sau đại dịch, các doanh nghiệp càng thấy rõ sự cần thiết và nóng lòng muốn nhập cuộc với mô hình này. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp mà Anneco tham gia hỗ trợ tư vấn để tham gia TMĐT xuyên biên giới cũng tăng 400%, từ các doanh nghiệp là nhà sản xuất tên tuổi cho đến các startup mới thành lập, đa dạng từ các ngành hàng như lông mi giả, hàng thủ công mỹ nghệ, nội thất.
Bí quyết sống sót của ông chủ Quán ăn trong hẻm Sài thành từng được Châu Tinh Trì đến ăn: Tìm mặt bằng giá rẻ ở Quận 1, nói không với nhượng quyền tránh “biến chất”