Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: “Với sự phát triển mạnh của công nghệ, ngành nào ra trường có nguy cơ thất nghiệp” hay “Ngành nào sẽ ‘lên ngôi’ trong tương lai” hay chưa? Những thắc mắc trên là hoàn toàn có cơ sở bởi với sự phát triển vượt bậc của ChatGPT, Bing AI, trí tuệ nhân tạo… như hiện nay, nhiều ngành nghề đang có nguy cơ bị công nghệ thay thế.
Mới đây, tại chuỗi sự kiện của show truyền hình thực tế Whose Chance – Cơ Hội Cho Ai, Chủ tịch FPT Telecom – Hoàng Nam Tiến, cũng có những chia sẻ về vấn đề này.
Theo dự đoán của sếp Tiến, một trong những ngành nghề có khả năng bị giảm đi khoảng 2/3 nhân sự đến năm 2030 bởi công nghệ đầu tiên phải kể đến giáo viên. Sếp Tiến giải thích: “Ngày hôm nay các giảng viên của một trường đại học A (đã được thay đổi tên), có thể đối mặt với câu chuyện là những bài giảng hay nhất thế giới, do những giáo sư nổi tiếng của các trường đại học danh tiếng hàng đầu đang có sẵn trên bom tần Coursera (một công ty công nghệ giáo dục chuyên cung cấp các khoá học trực tuyến đại chúng mở). Chúng hoàn toàn miễn phí và chỉ khi nào đăng ký thi thì mới mất tiền.
Ngồi tại Việt Nam các bạn có điều kiện học những giáo trình hay nhất thế giới do những giáo sư nổi tiếng giảng dạy, các giáo trình có sự tương tác liên tục, khác so với việc các thầy cô chỉ có giảng và sinh viên cứ nghe. Cứ 3,4 phút là phần mềm này lại đặt câu hỏi một lần, nếu không trả lời được thì sau 3 lần như vậy là nó tắt luôn video và quay lại từ đầu. Tức là chúng ta lúc nào cũng phải nghe, lúc nào cũng phải hiểu, lúc nào cũng phải trả lời”.
Ở một diễn viến khác, sếp Tiến cũng dự đoán đến năm 2030, Digital Marketing và Content Marketing sẽ là hai nghề “hot” nhất trên thị trường nhưng đây cũng là hai nghề… dễ mất việc nhất.
Chủ tịch FPT Telecom chứng minh, ông từng giao một đề bài là làm một content (nội dung) quảng cáo trà sữa cho sinh viên và đồng thời cũng “thử thách” phần mềm ChatGPT xem content của đối tượng nào sẽ tốt hơn. Đáng nói là theo nhận định của sếp Tiến, chất lượng content của các bạn sinh viên… không tốt bằng so với ChatGPT, bởi ChatGPT đã thu thập, chắt lọc thông tin hay nhất từ các quảng cáo trà sữa từ khắp mọi nơi trên thế giới, rồi sau đó nó dựa trên nguồn tài nguyên đó là tự tạo ra content của mình. Thậm chí, ChatGPT còn tạo ra hẳn một video riêng. Sếp nhấn mạnh, đây chính là thách thức đối với nhứng ai muốn theo đuổi hay ngành này.
Ông nói thêm, nếu không có khả năng tư duy độc lập, bạn trẻ sẽ trở thành người “bình thường” và thậm chí trở nên “tầm thường”. Mặt khác, nếu bạn là người xuất sắc thì không có AI nào có thể thay thế được.
Digital Marketing và Content Marketing là gì?
Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc không biết Digital Marketing và Content Marketing thực sự là gì. Theo đó, Digital Marketing hiểu theo nghĩa đơn giản là quảng bá sản phẩm hoặc thương hiệu thông qua một hoặc nhiều hình thức truyền thông điện tử. Digital Marketing là một mảng nhỏ hơn của Marketing, yêu cầu những kiến thức chuyên sâu hơn các chiến lược marketing căn bản và khả năng sáng tạo.
Theo Philips Kotler: “Digital Marketing là quá trình lập kế hoạch về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân dựa trên các phương tiện điện tử và Internet”.
Trọng tâm của chuyên ngành học này là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí trong ngành Digital Marketing. Ngoài các kiến thức nền tảng về kinh doanh, thì sinh viên còn được đào tạo về những kiến thức và kĩ năng chuyên môn. Các kiến thức có thể kể đến: Xây dựng chiến lược Digital Marketing, Định vị khách hàng mục tiêu, Xây dựng thương hiệu, Phân tích dữ liệu, Tư duy thiết kế…
Còn Content Marketing là một cách tiếp thị tập trung vào việc tạo dựng và phân phối nội dung có giá trị, phù hợp và đồng nhất đến với khách hàng. Thông qua hình thức marketing này, người dùng sẽ nhận được lợi ích từ đó và muốn mua sản phẩm, dịch vụ để thực sự trải nghiệm chúng.
Nhiệm vụ của một người làm về content marketing không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nội dung, mà còn đảm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau. Cụ thể như: Chịu trách nhiệm quản lý các trang mạng xã hội của công ty (Facebook, Instagram, TikTok,…); Xây dựng và quản lý nội dung và hình ảnh trên các trang mạng xã hội ấy; Phối hợp cùng đội ngũ Marketing để hoạch định chiến lược nội dung cụ thể cho các kênh social; Đảm nhiệm vai trò sản xuất nội dung truyền thông…
Vai trò của Content Marketing với các doanh nghiệp rất đang dạng, có thể kể đến như: Định hình thương hiệu, tăng lượng tương tác truy cập, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí quảng cáo…
Tùy vào vị trí công việc, cấp bậc, môi trường làm việc… lương thưởng ngành Digital Marketing và Content Marketing rất rộng, có thể kéo dài từ 7 – 20 triệu/tháng, thậm chí thu nhập hàng hàng trăm triệu/tháng cũng không phải hiếm nếu bạn thực sự giỏi.
Ai phù hợp học Digital Marketing và Content Marketing?
Người hướng ngoại và năng động: Đây là một trong những tính cách phù hợp với những người làm nghề marketing, bởi đây là ngành hướng đến công chúng và thị trường. Điều này giúp họ có thể tiếp cận được những phương thức marketing mới mẻ từ nhiều thương hiệu, nhãn hàng lớn trong và ngoài nước, từ đó đưa ra các phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Có khả năng sáng tạo: Ngành Marketing luôn đòi hỏi sự mới mẻ. Đôi khi, việc sáng tạo đến từ mọi hoạt động như sáng tạo hình ảnh, slogan, hoặc đơn giản là ý tưởng để trưng bày sản phẩm trên kệ hàng sao cho bắt mắt…
Ưu thích viết lách: Một trong những công việc của marketer chính là sáng tạo nội dung. Câu chữ luôn được xem là “vũ khí” lợi hại và nó có tác động rất lớn đến nhận thức và tâm lý của khách hàng. Vì vậy, việc đam mê viết lách là một trong những yếu tồ cần thiết của người làm nghề Marketing.
Chăm chỉ, chịu khó: Không chỉ Marketing mà bất kể ngành nghề nào cũng cần đến sự chăm chỉ, chịu khó. Đôi khi có những dự án có khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu họ phải tâm chung toàn tâm toàn lực, thậm chí đôi chi phải làm tăng là chuyện thường nhật đối với người làm Marketing. Do vậy muốn theo đuổi ngành này đòi hỏi người làm nghề phải thật sự tâm huyết và chăm chỉ trong mọi công việc.
Chịu được áp lực: Công việc nào cũng có những áp lực riêng, song với ngành marketing thì áp lực đó đến từ nhiều phía. Việc làm sao để có thể xây dựng thương hiệu, tăng hiệu quả bán hàng… phụ thuộc rất lớn vào bộ phận Marketing vậy nên áp lực vô hình của người làm nghề Marketing vì thế cũng nhiều hơn.
Tổng hợp