Cuốn “1% nỗ lực” của tác giả Nhật nêu góc nhìn về sự cố gắng và hạnh phúc cho những ai quay cuồng công việc và lo lắng tương lai.
“Thời đại của việc ‘chỉ cần làm như mọi người là được’ đã kết thúc”, tác giả cuốn 1% nỗ lực – Hiroyuki Nishimura – từng nói trong buổi phỏng vấn ở chương trình radio RKB Sakurai Koji Insight. Ngoài viết sách, Hiroyuki là nhà khởi nghiệp nổi tiếng trong giới công nghệ internet.
Khác với phần lớn trường hợp khởi nghiệp thành công, trong 1% nỗ lực, Hiroyuki không kể về sự kiên trì sau nhiều lần thất bại, hoài bão to lớn, hay những ý tưởng phi thường. Câu chuyện của Hiroyuki là câu chuyện về một thành công với lối tư duy nhiều gợi ý tưởng cho người đọc.
Hiroyuki sinh năm 1976 ở Nhật, trong một khu tập thể nghèo mà phần lớn người dân thất nghiệp chỉ sống bằng trợ cấp của nhà nước. Tuy thiếu thốn, những người ở trong khu tập thể của Hiroyuki hầu như không bận tâm. Họ sống vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau và hài lòng với sự yên bình ở một nơi chưa có trộm, không phải canh nhà vì không có gì để mất. Điều đó khiến Hiroyuki sớm nhận ra rằng, không cần phải giàu có mới cảm thấy hạnh phúc.
“Một khi đã sở hữu của cải hay tiền bạc thì con người sẽ muốn bảo vệ chúng. Cả những thứ vô hình như địa vị hay danh dự nữa. Chúng ta đang vô tình thiết lập một giới hạn tối thiểu tự lúc nào chẳng hay. Còn với những cư dân của khu tập thể Kirigaoka, do giới hạn nằm ở mức thấp, những thứ cần bảo vệ cũng chẳng là bao nên họ sống rất thảnh thơi”, anh viết.
Nghĩ vậy, song Hiroyuki vẫn học hết đại học, thử sức bằng việc khởi nghiệp trong thời gian nhàn rỗi. Nghịch lý là dù luôn tìm cách để an nhàn nhất có thể, những ý tưởng của Hiroyuki đều đạt được thành công ngoài. Hiện anh được biết đến là nhà sáng lập 2channel – diễn đàn ẩn danh nổi tiếng ở Nhật Bản, và trang Nico Nico Douga – được coi như YouTube của Nhật Bản.
Theo Hiroyuki, bí quyết thành công của anh không nằm ở sự chăm chỉ, mà là việc tính toán kỹ lưỡng trước khi làm việc. Trong cuốn 1% nỗ lực, Hiroyuki đúc kết lại những kinh nghiệm từ quá trình kinh doanh cho đến những quan sát trong cuộc sống. Có thể thấy, Hiroyuki luôn xác định rõ mình là ai và muốn gì. Là người tò mò, anh lựa chọn trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Không thích vất vả, anh cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi. Không thích đấu đá, anh chọn lĩnh vực ít cạnh tranh. Không thích làm, anh chọn suy nghĩ sâu sắc.
“Tôi nghĩ có nhiều người đang nỗ lực một cách vô ích. Vậy nên, điều mà 1% nỗ lực muốn truyền đạt là trước khi bắt đầu nỗ lực, hãy cân nhắc kỹ về lựa chọn”, anh nói. Theo Hiroyuki, 1% ở đây có nghĩa là chỉ nỗ lực để tìm kiếm những nơi bạn không cần phải nỗ lực, “phải nỗ lực hết sức để không phải nỗ lực”.
Nhiều kinh nghiệm của Hiroyuki dựa trên thực tế ở Nhật, tuy một số có thể không đúng với điều kiện ở các khu vực khác, song những bài học về tư duy, quản lý, cách nhìn nhận về hạnh phúc của Hiroyuki có thể truyền cảm hứng về một góc nhìn.
Chẳng hạn, Hiroyuki cho rằng bất cứ ai cũng có thể “lười biếng” bằng cách từ chối tăng ca khi không cần thiết. Vì những cơ hội hay may mắn thường vụt qua rất nhanh, người luôn để rảnh một tay sẽ có nhiều lợi thế để nắm bắt chúng. Hay thậm chí, anh khuyến khích mọi người nên học cách trốn việc bằng cách tăng hiệu suất làm việc và dành thời gian cho bản thân.
Dù làm bất cứ việc gì, anh đều đặt việc ngủ đủ giấc lên hàng đầu, bởi anh cho rằng không gì có thể bù đắp cho những hậu quả mà thiếu ngủ gây nên. “Hãy ưu tiên những việc quan trọng nhất của mình. Tôi rất yêu bản thân. Tôi chưa bao giờ thấy ai hạnh phúc mà ghét bản thân mình cả”, Hiroyuki đúc kết.
Ngạn Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tac-gia-nhat-goi-y-no-luc-it-de-thanh-cong-hon-4719089.html