Trong báo cáo thường niên 2022 mới được Vingroup phát hành, ba trụ cột Công nghệ – Công nghiệp, Thương mại Dịch vụ, Thiện nguyện Xã hội đã được xác định là “kiềng ba chân” cho tập đoàn này.
Trong đó, trụ cột Công nghệ được tạo nên bởi hệ sinh thái các công ty bao gồm: VinAI, VinBigData, VinBrain, VinHMS, VinCSS và VinITIS. Nếu như VinAI hay VinBigData, VinBrain là những cái tên quen thuộc với truyền thông thì VinHMS có phần “trầm lắng” hơn, nhưng lại nắm giữ vai trò quan trong trong hệ sinh thái khách sạn, du lịch của Vingroup.
CTCP Sản xuất và Kinh doanh phần mềm VinHMS (VinHMS) được giới thiệu là công ty sản xuất và kinh doanh phần mềm, chuyên cung cấp những sản phẩm công nghệ chất lượng cao, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, được thành lập vào tháng 11/2018. Giám đốc điều hành VinHMS là ông Nguyễn Văn Hoàng – người được tỷ phú Phạm Nhật Vượng chiêu mộ, từ Mỹ trở về.
Ông Nguyễn Văn Hoàng học kỹ sư tại Tp.HCM, sau đó lấy bằng thạc sĩ về khoa học máy tính – hệ thống thông tin quản lý tại Đại học Houston. Vị doanh nhân này từng làm công việc phát triển ứng dụng phần mềm cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 500. Sau đó, ông tự lập công ty startup của riêng mình. Năm 2017, ông Hoàng gia nhập Amazon Web Services, trở thành nhân viên đầu tiên của Amazon Web Services Việt Nam, đồng thời từ bỏ nghiệp startup vì quá thăng trầm.
Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra khi vị doanh nhân này có cơ hội trò chuyện cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nghe vị Chủ tịch Vingroup nói về những vấn đề mà VinPearl đang gặp phải. Ông Hoàng quyết định nghỉ việc tại Amazon Web Services, đầu quân cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng để xây dựng VinHMS.
Tham vọng chiếm 30% thị phần quản lý khách sạn cao cấp
Chia sẻ trong Forbes Vietnam CEO Talks, ông Hoàng cho biết công ty được thành lập dựa trên những vấn đề mà Vinpearl – hệ sinh thái 35 khách sạn và 20.000 nhân viên (thời điểm năm 2018) đang gặp phải, với mong muốn cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Một cách dễ hình dung, thông thường các khách sạn 4 hay 5 sao sử dụng một hệ thống quản lý tài sản (PMS) để chuyên quản lý các phòng ở. Bên cạnh đó, để điều hành một khách sạn cần nhiều hệ thống khác như hệ thống quản lý dọn phòng, quản lý vận chuyển, đưa đón khách, quản lý hàng tồn kho,… Trên thực tế, tại Việt Nam hay các quốc gia trong khu vực, các khách sạn thường chỉ mua một hệ thống PMS và sử dụng nhiều hệ thống khác từ bên ngoài.
Trong khi đó, VinHMS không tìm cách thay thế phần mềm cũ bằng phần mềm mới mà định hướng trở thành một nền tảng cho phép mọi người ứng dụng những cái mới để tạo ra nhiều doanh thu hơn thay vì sử dụng các phương thức truyền thống trước đây.
Theo ông Hoàng, ngành khách sạn là một ngành truyền thống và không mấy cởi mở. Đơn cử, việc thành toán bằng QR Code đã phổ biến tại các nhà hàng, quán cà phê,.. nhưng tại các khách sạn vẫn chỉ có thể thành toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Thêm nữa, khách hàng đến khách sạn vẫn phải xếp hàng chờ đợi check-in tại trực tiếp tại quầy. Những trải nghiệm mới, hiện đại đã có ở khắp các lĩnh vực nhưng vẫn chưa tiếp cận được đến với ngành khách sạn.
“ Vấn đề không phải ở công nghệ, vì công nghệ đã có. Vấn đề là các hệ thống quản lý tài sản đã cũ và đơn vị quản lý các hệ thống này không đủ cởi mở để cho phép khách sạn ứng dụng cái mới.
Đối với ngành khách sạn, vốn đầu tư ban đầu có thể lên tới hàng chục hay hàng trăm triệu USD. Công nghệ chỉ là một phần rất nhỏ trong đó. Bạn không có động lực ứng dụng những giải pháp mới, vì nếu thành công, bạn không được gì mà nếu thất bại thì có thể sẽ thiệt hại. Vì vậy, theo thời gian, mọi người cơ bản sẽ chỉ giữ nguyên hiện trạng, duy trì thương hiệu của mình theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, rào cản rất lớn vì nếu bạn đến một khách sạn 5 sao và nói rằng mình có một cách tốt hơn rất nhiều để giúp họ vận hành, họ sẽ hỏi lại, rằng bạn đã ứng dụng nó bao giờ chưa? Thông thường câu trả lời là “Không”. Như tôi nói, ngành này không mấy cởi mở và đã kéo dài như vậy nhiều năm nay”, CEO VinHMS phân tích.
Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu của thị trường, của khách hàng thay đổi. Điều đó khiến khách sạn nhận ra rằng họ cần thay đổi. Đó là cơ hội dành cho VinHMS. Theo ông Hoàng, sự đổi mới không những giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng mà còn giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Nhìn chung, VinHMS không chỉ là một giải pháp mà là một cách thức hoàn toàn khác biệt để quản lý khách sạn và thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Hoàng lấy một ví dụ về giải pháp của Vin HMS. Khách hàng có thể check-in ngay khi đang di chuyển từ sân bay về khách sạn, gọi trước đồ ăn để mọi thứ sẵn sàng khi khách đến nơi. Hay khi check-out khỏi khách sạn, khách hàng có thể chọn thanh toán bằng QR hay ví điện tử. Đây là những trải nghiệm đã quen thuộc trong những ngành dịch vụ khác nhưng vẫn còn mới mẻ với ngành khách sạn.
Hiện sản phẩm của VinHMS đã được ứng dụng trực tiếp vào hệ thống khách sạn VinPearl. Doanh nghiệp này cũng cung cấp dịch vụ cho các khách sạn ngoài hệ sinh thái của Vingroup.
Theo ông Hoàng, vào thời điểm năm 2018, theo dữ liệu của Chính phủ, Việt Nam có khoảng 100.000 phòng khách sạn 4 sao và 5 sao. Hiện tại, tại VinPearl, Melia và một số khách hàng khác, hệ thống của VinHMS đang quản lý 18.000-20.000 phòng, tương đương khoảng 18% thị phần tại Việt Nam. Số lượng phòng hiện tại đang giảm do Covid-19 nhưng được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại tương đương giai đoạn năm 2019 vào năm sau.
VinHMS hiện cũng là đối tác chính thức của Agoda, Booking.com, TripAdvisor, Traveloka, Expedia, iViVu.com, BestPrice.vn, Google Hotel Ads, và các thương hiệu lớn khác trong ngành dịch vụ lưu trú.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàng tỏ ra tự tin với khả năng cạnh tranh của VinHMS với các thương hiệu quản lý đã có tiếng trên thế giới. Theo ông Hoàng, giải pháp của VinHMS có giá hợp lí hơn rất nhiều so với phần mềm toàn cầu. Mặc dù không phải là giải pháp rẻ nhất trên thị trường nhưng giá trị đem lại cho khách sạn sẽ lớn hơn chi phí họ bỏ ra.
Trong ba năm tới, VinHMS kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh 30% thị phần quản lý phòng khách sạn 4 và 5 sao ở Việt Nam.