MỹWill Smith tát Chris Rock hay một người khỏa thân chạy lên sân khấu là hai trong mười sự việc gây chú ý ở Oscar qua 95 lần tổ chức.
Oscar 2024 sẽ diễn ra vào ngày 11/3 (giờ Hà Nội) tại nhà hát Dolby ở Hollywood, Los Angeles. Trước thềm buổi lễ, trang ET tổng hợp 10 khoảnh khắc gây tranh cãi từ năm 1973 đến 2022.
Cú tát của Will Smith
Theo ET, cú tát của Will Smith tại Oscar 2022 là scandal lớn nhất của tại buổi lễ do Viện hàn lâm tổ chức. Trước đó, diễn viên hài Chris Rock đã đùa về mái đầu trọc của Jada Pinkett Smith – vợ Will Smith, người mắc chứng rụng tóc nghiêm trọng và từng bị căn bệnh ám ảnh. Sau sự cố, Smith vẫn nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho vai Richard Williams trong King Richard (2021). Theo ban tổ chức, nghệ sĩ bị cấm không được tham gia các sự kiện của Oscar trong vòng 10 năm.
Đọc nhầm kết quả
Năm 2017, lễ trao giải Oscar khép lại với tình huống Warren Beatty và Faye Dunaway công bố nhầm La La Land (2016) đoạt giải Phim hay nhất. Trên thực tế, Moonlight (2016) của đạo diễn Barry Jenkins mới là bộ phim chiến thắng. Nguyên nhân sai sót do ban tổ chức trao nhầm phong bì chứa kết quả Nữ diễn viên chính xuất sắc – bấy giờ là Emma Stone – cho bộ đôi dẫn chương trình. Sự cố đã được giải thích trực tiếp và đoàn phim Moonlight cũng nhanh chóng lên sân khấu, nhận lại bức tượng Oscar từ nhà sản xuất La La Land Jordan Horowitz.
Diễn viên Bố già từ chối nhận giải thưởng
Ngôi sao huyền thoại Marlon Brando từng từ chối nhận Nam diễn viên xuất sắc cho vai Vito Corleone trong The Godfather (Bố già), tại Oscar 1973. Ông không tham dự buổi lễ nhưng nhờ nữ diễn viên kiêm nhà hoạt động vì cộng đồng người da đỏ – Sacheen Littlefeather – đến thay. Cô mang theo lá thư của Brando và trực tiếp đọc trên sân khấu. Ông cho biết không xuất hiện tại Oscar để phản đối ngành công nghiệp giải trí đối xử bất công với người Mỹ bản địa. Nhiều khách mời la ó khi Littlefeather phát biểu. Gần 50 năm sau, Sacheen Littlefeather mới nhận được lời xin lỗi từ Viện hàn lâm cho sự cố lần đó. Bà qua đời vào tháng 6/2022.
Adrien Brody hôn Halle Berry
Khi bước lên sân khấu Oscar 2003 để nhận Nam diễn viên chính xuất sắc, Adrien Brody chộp lấy người trao giải Halle Berry và hôn cô say đắm. Berry sau đó nói cô không biết gì về ý định của đồng nghiệp. “Điều đó không được lên kế hoạch. Tôi không biết gì hết. Lúc đó, tôi kiểu: ‘Cái gì đang diễn ra vậy trời?”, diễn viên cho biết.
Oscar xếp sự cố này vào những khoảnh khắc được yêu thích nhất, đăng tải trên YouTube cách đây 15 năm. Tuy nhiên, đoạn video nhận nhiều phản ứng tiêu cực khi người xem cho rằng nụ hôn của Adrien Brody là hành vi quấy rối, đi ngược quy tắc ứng xử của Viện hàn lâm. Ngoài ra, việc diễn viên ôm toàn thân Halle Berry mà không xin phép cũng từng bị tờ Los Angeles Times nhận xét vi phạm đạo đức.
John Travolta phát âm nhầm tên Idina Menzel
Tại Oscar 2014, thay vì giới thiệu Indina Menzel cho ca khúc Let It Go (nhạc phim Frozen), diễn viên John Travolta phát âm sai tên ca sĩ thành Adele Dazeem. Menzel nói khi đó cô chỉ có tám giây để trấn tĩnh bản thân trước khi lên sân khấu biểu diễn. Cô cũng từng đùa trong chương trình Carpool Karaoke của James Corden, gọi sự cố đó là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong đời. Sau màn giới thiệu sai sót, John Travolta vấp phải làn sóng phản ứng từ truyền thông, thậm chí một ứng dụng điện thoại ra đời với tên gọi “Adele Dazeem Name Generator”.
Hashtag #OscarsSoWhite phản đối bất công với nghệ sĩ da màu
Hồi tháng 1/2015, Viện Hàn lâm gây tranh cãi khi công bố danh sách đề cử với nhiều nghệ sĩ da trắng trong các hạng mục quan trọng. Điều này khiến nhà báo April Reign khởi xướng chiến dịch #OscarsSoWhite (Oscar dành cho người da trắng) để phản đối đánh giá của hội đồng.
Cùng năm, bộ phim Selma của đạo diễn Ava DuVernay, có David Oyelowo đóng vai nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, Martin Luther King Jr., được đề cử Phim hay nhất nhưng không chiến thắng bất kỳ hạng mục diễn xuất hay chế tác. Chỉ có nhạc phim Glory do Common và John Legend thể hiện đoạt giải Nhạc phim hay nhất.
Năm 2016, Oscar bị chỉ trích vì tiếp tục đề cử các diễn viên da trắng trong nhiều hạng mục diễn xuất, khiến Jada Pinkett Smith quyết định tẩy chay lễ trao giải, cùng chồng lập dự án Careers in Entertainment hỗ trợ cộng đồng người yếu thế tìm kiếm việc làm trong ngành giải trí.
Anne Hathaway và James Franco bị chê khi dẫn chương trình
Pha hợp tác của Anne Hathaway và James Franco tại Oscar 2011 được xem là màn dẫn chương trình tệ nhất lịch sử trao giải. Khán giả cho rằng hai MC thiếu kinh nghiệm dẫn dắt và chưa biết cách tương tác hiệu quả. Màn giả gái của James Franco cũng không được người xem đánh giá cao. Trong buổi phỏng vấn với The Hollywood Reporter năm 2012, Hathaway nói dù đó là một thất bại lớn nhưng cô vẫn không hối hận. “Tôi đã ở trên sân khấu với nhiều niềm tin, hy vọng và đã có thời gian rất tuyệt vời. Khi đó, tôi nhận ra bản thân đang đứng trong nhà hát với sức chứa 3.500 người, nên tôi chỉ biết thể hiện hết năng lượng của mình”, cô nói.
Angelina Jolie hôn anh trai
Sao Tomb Raider được cho thể hiện tình cảm quá mức với anh trai James Haven tại lễ trao giải Oscar 2000. Cô nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai diễn Lisa Rowe trong Girl, Interrupted (1999). Trong bài phát biểu, cô nói: “Tôi đang sốc và cảm thấy mình đã yêu anh trai ngay lúc này. Anh ấy đã giúp và cũng nói yêu tôi, bây giờ tôi biết anh đang hạnh phúc vì tôi”. Ngoài ra, diễn viên cũng bị chụp ảnh đang hôn môi Haven tại bữa tiệc hậu Oscar của Vanity Fair, dấy lên nhiều tranh cãi. Phỏng vấn với Entertainment Weekly, cô nói chẳng có gì ngoài “tình anh em ruột thịt” giữa cô và Haven.
Người đàn ông khỏa thân trên sân khấu
Khách mời tại Oscar 1974 được dịp bật cười khi nhiếp ảnh gia kiêm chủ phòng tranh Mỹ, Robert Opal, chạy khỏa thân trên sân khấu lúc diễn viên David Niven giới thiệu Elizabeth Taylor. Niven đùa về khoảnh khắc đó: “Thưa quý ông và quý bà, điều này chắc chắn có thể xảy ra. Nhưng chẳng phải tiếng cười duy nhất mà người đàn ông đó có được trong đời là nhờ việc cởi đồ và khoe mọi khuyết điểm của mình”.
Sân khấu mở màn của Rob Lowe
Diễn viên Rob Lowe có màn biểu diễn bị nhận xét “thảm họa” với diễn viên Eileen Bowman, trong tiết mục mở màn Oscar 1989. Bowman trong trang phục Bạch Tuyết hát ca khúc I Only Have Eyes For You với phiên bản biến tấu. Trong buổi phỏng vấn năm 2018, Lowe đùa về tiết mục này: “Viện Hàn lâm đã yêu cầu tôi làm thế. Lúc ấy còn trẻ và ngây thơ nên tôi nghĩ: ‘Chà, đó là Viện Hàn lâm và họ biết điều gì tốt nhất'”. Anh còn cho biết khi đó ban tổ chức Oscar chưa xin phép bản quyền của Disney và bị hãng phim dọa kiện.
Phương Thảo (theo ET)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/10-khoanh-khac-gay-chu-y-nhat-lich-su-oscar-4720212.html