Ngày nay, hậu đại dịch Covid-19, khái niệm work-life-balance (cân bằng công việc và cuộc sống) trở thành kim chỉ nam trong phong cách sống của rất nhiều người trẻ thành thị. Bên cạnh việc lao động để tạo ra giá trị, thì việc được làm điều mình thích và tận hưởng cuộc sống cũng rất quan trọng.
Nhờ vào sự phát triển về công nghệ thông tin, giới trẻ đã áp dụng công nghệ để kiếm tiền trên nền tảng Internet. Đặc biệt là thế hệ trẻ, với cá tính và lối sống chủ động, luôn biết cách khai thác những cơ hội mới để tạo ra thu nhập và thể hiện sự sáng tạo của mình. Các công việc mà họ thường lựa chọn như kinh doanh trực tuyến, hay sáng tạo nội dung và truyền thông xã hội,…
Câu chuyện của Nguyễn Hoài Nhi, 31 tuổi, là một minh chứng cho hành trình đi tìm “work-life-balance”. Là một người trẻ, sau 5 năm làm nhân viên văn phòng cho một công ty chuyên về marketing, tháng 3/2021, Nhi quyết định nghỉ việc. Tạm gác lại những guồng quay của công việc, cô tìm cách cân bằng và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.
Nhi hồi tưởng về ước mơ của mình khi tốt nghiệp đại học, là mong muốn có một cửa hàng, hay thương hiệu nho nhỏ cho bản thân. Cô cũng nhớ lại trước đây mình đã từng thử sức với TMĐT nhưng chưa đi tới đâu vì thiếu kỹ năng và sự tập trung tâm sức. Vì vậy, tận dụng quỹ thời gian sau khi nghỉ việc, cô bắt tay lại vào tìm hiểu một cách bài bản về TMĐT, quyết tâm khởi sự lại với nghiệp kinh doanh online. Và một cơ duyên đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô!
“Thời điểm sau khi nghỉ việc, Nhi chưa có suy nghĩ hay dự định sẽ hoàn toàn chuyển qua kinh doanh online. Nhưng sau một bước ngoặt bất ngờ, mình không chỉ quyết tâm khởi sự lại với con đường kinh doanh online, mà còn quyết tâm làm một cách có định hướng, hành trang bài bản với nghề. Thật may mắn khi trên con đường ấy, mình đã không cô đơn, mà luôn được kết nối với các anh chị đồng nghiệp.”
LazMaster mùa 3 chính là bước ngoặt khiến Nhi gắn bó với việc kinh doanh trên sàn TMĐT, là nơi giúp cô có được định hướng bán hàng online, hiểu được kiến thức, học được tư duy của các người đi trước, cộng hưởng cùng kiến thức làm marketing trước đó để đưa vào thương hiệu của mình. Tư duy của Nhi dần được khai mở và không ngừng thay đổi.
Cô nói: “Kinh doanh đòi hỏi sự thay đổi, thích nghi và linh hoạt chuyển mình, nên mình xác định dành thời gian để học kiến thức, học kinh nghiệm, rồi mới vận hành thực tế”.
Nhi kể, giai đoạn dịch Covid-19, cô ở nhà cả ngày, tự xoay xở, tự làm mọi thứ một mình. Nhưng sau khi tiếp xúc với rất nhiều anh chị em bán hàng, lắng nghe sự chia sẻ từ “Cộng đồng người bán hàng Lazada” giúp cô nhận ra rằng luôn cần có bè bạn trong kinh doanh. “Ở đây, mọi người sẵn sàng chia sẻ, lan toả kinh nghiệm và kiến thức, đương đầu cùng nhau. Nếu bạn chia sẻ với người khác, bạn sẽ nhận lại được điều đó”, Nhi nói.
Bản thân cô cũng tự “ngộ” ra nhiều vấn đề để thay đổi một cách tích cực hơn. “Lúc trước Nhi hay sợ và ám ảnh bởi việc cần có một nghề nghiệp theo đúng chuẩn mực thành công của xã hội:”Nếu bạn không đi theo nguyên tắc, hay thước đo về thành công của xã hội sẽ bị thế này, thế kia. Nhưng giờ mình không còn sợ và nhận ra rằng làm gì cũng được, miễn sao bản thân cảm thấy phù hợp và thật sự mong muốn. Đó là yếu tố dẫn dắt chúng ta tâm huyết làm việc, thậm chí làm ra trò”.
Đã hơn 2 năm từ khi Nhi nghỉ việc và tìm hiểu về kinh doanh trên Lazada, cô vẫn đang tự tin bước tiếp trên ước mơ thuở sinh viên của mình. “Rất cảm ơn Lazada, Lazada Seller Club đã cho Nhi kiến thức, tư duy, mối quan hệ; cảm ơn những anh, chị, người bạn trong quá trình kinh doanh. Những điều này đã mang lại cho mình những giá trị vô cùng to lớn”, cô bày tỏ.
Cách xa Hoài Nhi hơn 1.400 km, ở Philippines, câu chuyện của Monalisa Gao cũng là ví dụ cho thấy phụ nữ thực sự có thể có tất cả.
Tốt nghiệp đại học, Gao bắt đầu kinh doanh và mở tới 15 cửa hàng offline trên khắp Philippines. Muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cô nghỉ việc vào năm 2013. Trong chuyến đi đến Trung Quốc cùng năm đó, Gao được giới thiệu về Taobao và bị thu hút bởi việc mua sắm đơn giản qua sàn TMĐT.
Trở về Philippines, Gao quyết tâm mang lại sự tiện lợi tương tự cho người tiêu dùng địa phương. Cô chuyển sang sử dụng Lazada, nền tảng TMĐT đầu tiên và duy nhất ở Philippines vào thời điểm đó, đồng thời bắt đầu hành trình kinh doanh trực tuyến của mình bằng việc mở Lucky HR, cửa hàng đầu tiên trên Lazada bán đồ điện tử tiêu dùng.
Giờ đây, cửa hàng của Gao là một trong những gian hàng bán chạy nhất trên Lazada. Cô không chỉ quản lý cửa hàng Lucky HR mà còn quản lý nhà kho rộng 1.000 m2.
Hành trình của Nhi, hay Gao đều là những câu chuyện thành công điển hình của các nữ doanh nhân trên nền tảng TMĐT nói chung và Lazada nói riêng. Với hai cô gái này, ngoài sự nỗ lực và cống hiến của bản thân, đều có đồng hành của sàn TMĐT trong quá trình phát triển thương hiệu, thông qua các giải pháp kịp thời, thiết thực.
Theo nhiều cách, ngành TMĐT mang đến những cơ hội đặc biệt cho các doanh nhân nữ, đặc biệt ở Đông Nam Á. Một báo cáo được công bố hồi tháng 5/2021 của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, phụ nữ ở Đông Nam Á có nhiều khả năng khai thác tiềm năng của TMĐT hơn nam giới vì tính hiệu quả, linh hoạt và rào cản thấp. Trên thực tế, giới nữ chiếm một nửa số doanh nhân kinh doanh TMĐT. Ở Việt Nam và Indonesia, tỷ lệ hoạt động kinh doanh của nữ giới thậm chí còn vượt xa nam giới.
Khi ngày càng có nhiều phụ nữ ở Đông Nam Á tận dụng thương mại trực tuyến để bắt đầu kinh doanh, Lazada đã hợp tác với các đối tác chiến lược trên 6 thị trường mà công ty hoạt động để phát triển các chương trình và sáng kiến hỗ trợ phù hợp.
Đơn cử là các công cụ vận hành dựa trên công nghệ của nền tảng TMĐT giúp quá trình chuyển đổi kỹ thuật số dành cho phụ nữ trở nên liền mạch nhất có thể. Ngoài ra, Học viện Lazada tiếp tục trang bị cho các nữ doanh nhân những công cụ và kiến thức phù hợp để phát triển trong lĩnh vực này.
Nền tảng này cũng hợp tác với các ngân hàng và công ty tài chính để cung cấp cho các nữ doanh nhân tiếp cận nguồn vốn mà họ không có được thông qua các kênh truyền thống. Bên cạnh đó, Lazada cũng hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận để hỗ trợ phụ nữ.
“Tôi biết ơn các sàn TMĐT đã mang lại cho tôi một con đường đầy ý nghĩa để sắp xếp công việc và gia đình. Và tôi tự hào khi có sự độc lập về tài chính nhờ thành quả lao động của chính mình”, Gao nói.
Còn với Nhi, dưới khía cạnh một người phụ nữ, khi dấn thân vào TMĐT đã giúp cô hiểu rằng, “trong kinh doanh hay bất cứ việc gì, phái đẹp vẫn có thể làm được điều mình mong muốn. Phụ nữ luôn có sức, có quyền được tự do tư duy và làm những điều họ ấp ủ”, cô chia sẻ.
Nghiên cứu của WorldBank đã chỉ ra thành công trong kinh doanh trực tuyến của giới nữ giúp tăng năng suất, tăng đa dạng hóa kinh tế và bình đẳng thu nhập bên cạnh các kết quả phát triển tích cực khác.
Nguồn tin: https://cafef.vn/khi-chi-dep-dap-gio-re-song-tren-tmdt-phu-nu-luon-co-suc-co-quyen-duoc-tu-do-tu-duy-va-lam-nhung-dieu-ho-ap-u-188240307191049191.chn