Việc tới dự bữa tiệc cấp nhà nước cùng các chính trị gia cho thấy tầm ảnh hưởng của Kylian Mbappe đang vượt ra khỏi bóng đá.
Đã gần hai năm kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ thứ hai, nơi ông đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen bằng hơn 58% phiếu bầu. Tuy nhiên, ở Tallenay, một thị trấn nhỏ miền đông nước Pháp, 10 cử tri hoàn toàn thất vọng trước lựa chọn giữa Macron hay Le Pen. Thay vào đó, họ đã tự làm hỏng lá phiếu bằng cách điền tên Kylian Mbappe, tuyển thủ Pháp và tiền đạo của PSG. Hành động đó có thể chỉ là một cách phản đối mới lạ, nhưng đã gây chú ý trên toàn quốc và đánh dấu sự hiện diện của Mbappe trong đời sống công chúng Pháp.
Trong đời sống chính trị, Mbappe cũng là một nhân vật nổi bật. Mới tuần trước, cầu thủ 25 tuổi là khách mời trong bữa tối do Macron tổ chức tại điện Elysee ở Paris, nhân chuyến thăm của Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Qatar là chủ sở hữu trên thực tế của PSG, đội đang nằm dưới sự kiểm soát của Quỹ Qatar Sports Investments do Tiểu vương thành lập năm 2005. Nhưng việc Mbappe ăn tối cùng vợ chồng Tổng thống Pháp, Tiểu vương, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và một số nhân vật quan trọng khác, gồm cả tỷ phú Bernard Arnault – người giàu nhất nước Pháp, lại cho thấy ảnh hưởng khác của cầu thủ. Việc Macron và Tiểu vương đích thân chào đón cho thấy hai nhà lãnh đạo đều muốn khắc họa hình ảnh Mbappe cho đất nước của họ.
Theo tờ The Athletic, Macron từ lâu đã nhận ra giá trị của thể thao đối với việc lãnh đạo. Ông cũng nhận ra thể thao có thể trở thành công cụ đoàn kết ở một đất nước bị lu mờ bởi các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu.
Khi đắc cử lần đầu tiên vào năm 2017, ông đã cam kết thúc đẩy thể thao. Ông cũng thể hiện sự nhạy bén khi gắn hình ảnh cá nhân với thành công thể thao, nhằm tăng khả năng tương tác với một số cử tri. Hè năm ngoái, Macron uống một vại bia trong 17 giây với các thành viên của đội vô địch bóng bầu dục Pháp Toulouse. Ông cũng thường nói về việc ủng hộ CLB bóng đá Marseille. Nếu cổ vũ tuyển Pháp, CĐV cũng không thể quên hình ảnh Macron nhảy lên mừng chức vô địch World Cup 2018, vào phòng thay đồ thực hiện màn ăn mừng “Dab” với Paul Pogba, và an ủi Mbappe sau thất bại trong trận chung kết World Cup 2022.
Theo Jean-Baptiste Guegan, chuyên gia địa chính trị Pháp và là tác giả cuốn “Cuộc cách mạng Mbappe”, mối quan hệ giữa Macron và Mbappe là điển hình của việc bóng đá hóa chính trị ở Pháp.
“Mbappe có khả năng làm tăng sự chú ý xung quanh hội nghị thượng đỉnh Pháp – Qatar và tăng sự cuốn hút, năng động cho bữa tối trang trọng cấp nhà nước. Và khi đó, cậu ấy là người đặt dấu ấn cho mối quan hệ giữa hai nước”, Guegan nói.
Việc Qatar mua PSG với giá 76 triệu USD năm 2012 không chỉ là một dự án đầu tư (giá trị của PSG hiện nay đã lên gần năm tỷ USD), mà còn là cơ hội để phát triển hình ảnh quốc tế, cơ hội chính trị và địa chính trị. Theo Guegan, bằng cách mua PSG và cứu bóng đá Pháp thông qua đài truyền hình beIN Sports, Qatar đã trở nên gần gũi hơn với Pháp, một cường quốc châu Âu có ngành công nghiệp quốc phòng và một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
“Khoản đầu tư như vậy rất hữu ích trong bối cảnh địa chính trị phức tạp của Qatar ở Trung Đông, và tăng cường mối liên kết giữa hai quốc gia gần gũi về mặt lịch sử”, Guegan nói thêm. “Và mối quan tâm cuối cùng: vị trí này mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng ở Qatar. Mối quan hệ giữa các cá nhân đạt được thông qua kết nối tại sân vận động cho phép Qatar đầu tư nhiều hơn vào Paris và củng cố vị thế của mình”.
Mối quan hệ giữa Pháp và Qatar đã được củng cố vào tháng 2, khi hai nước ký quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, Qatar đã đồng ý đầu tư hơn 10 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư ở Pháp từ năm 2024 đến 2030. Rất ít dấu hiệu cho thấy việc Mbappe rời PSG sẽ làm vấy bẩn mối quan hệ này.
Trong thập kỷ đầu tiên kiểm soát PSG, Qatar đã tập trung vào chiến lược toàn sao nhằm thu hút sự chú ý. Họ đã ký hợp đồng với nhiều tên tuổi nổi tiếng, gồm cả David Beckham, Zlatan Ibrahimovic, Neymar, Mbappe và Lionel Messi. Theo một số nhà phê bình, việc này là để đánh lạc hướng các câu hỏi về cách Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 (dù họ luôn phủ nhận hành vi sai trái) và sau đó là nhân lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ giải đấu.
Vào tháng 6/2017, liên minh do Arab Saudi dẫn đầu, với sự hỗ trợ của UAE, Bahrain và Ai Cập, đã đưa ra 13 yêu cầu đối với Qatar, cáo buộc nước này nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn cho khu vực. Khi Qatar từ chối những yêu cầu này, biên giới bị phong tỏa, không phận và quan hệ ngoại giao bị cắt đứt. Trong hơn ba năm, các mối quan hệ đã xuống mức thấp kỷ lục.
Cũng trong hè 2017, PSG được cho là đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường chuyển nhượng khi mua Neymar với giá kỷ lục 263 triệu USD từ Barca và sau đó là ký hợp đồng với Mbappe từ Monaco.
Theo Kristian Ulrichsen, một nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice (Mỹ), khoản đầu tư của Qatar đã vượt ra khỏi bóng đá. “Vụ mua Neymar chắc chắn đã đưa ra tuyên bố rằng Qatar không bị cô lập bởi lệnh phong tỏa. Mục đích ban đầu của Arab Saudi là cố cô lập Qatar và chứng minh rằng thế giới không sẵn sàng giao thiệp với Qatar, nhưng sau đó, Qatar đột nhiên trả khoản phí kỷ lục thế giới, thể hiện họ vẫn sống tốt bất chấp lệnh phong tỏa và mọi người không tin vào câu chuyện của Arab Saudi”, Ulrichsen nói.
Khi mới 18 tuổi, Mbappe ký hợp đồng với tư cách một ngôi sao tiềm năng của PSG. Hồ sơ của anh vào lúc đó mỏng hơn rất nhiều so với Neymar, nhưng trong vòng một năm, Mbappe đã đưa Pháp tới chức vô địch World Cup ở Nga và PSG đã có trong tay một siêu sao.
Khi World Cup 2022 đến gần, việc CLB do Qatar tài trợ sở hữu một loạt tên tuổi lớn trở thành một điều đáng tự hào. PSG giữ Neymar và bổ sung Messi, nhưng nỗ lực lớn nhất vẫn là huy động toàn bộ sức mạnh để giữ Mbappe khỏi sự lôi kéo của Real Madrid. Không chỉ Qatar, các tổ chức và cá nhân Pháp cũng vào cuộc. Theo Guegan, Tổng thống Macron, cựu tổng thống Sarkozy và Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo đều khuyên “số 7” ở lại. Các quan chức của Liên đoàn Bóng đá Pháp, Ligue 1, Ủy ban Olympic quốc gia, các cầu thủ PSG và các chính trị gia khác từ Bộ thể thao cũng tranh thủ thuyết phục Mbappe ở lại ít nhất là cho đến Olympic 2024, giải đấu mà tiền đạo 25 tuổi dự kiến đại diện cho đất nước vào tháng 8 tới. Kết quả là Mbappe đồng ý ở lại đến năm 2024.
Tại sao Mbappe lại quan trọng và hợp ý với Tổng thống Pháp đến vậy? Guegan giải thích: “Họ có chung quỹ đạo, còn trẻ so với đồng nghiệp và là người chiến thắng. Họ cũng năng nổ, nổi bật về mặt cá nhân và sớm phát triển. Mbappe đã học được rất nhiều điều từ Macron và bị cuốn hút bởi chính trị, quyền lực và thế giới. Còn Macron là một chính trị gia yêu bóng đá”.
Khi thông tin Mbappe chuyển sang Real Madrid từ hè tới lộ ra, ảnh hưởng của anh ở Paris và Pháp tạm thời giảm. Đôi khi, anh bị CĐV la ó ngay tại sân Parc des Princes. Tuy nhiên, anh có thể tiếp tục làm rạng danh nước Pháp nếu thành công tại Real Madrid, giành HC vàng Olympic 2024 hay chức vô địch World Cup 2026. Đó sẽ lại là cơ hội để Tổng thống Macron cùng ăn mừng, hoặc ít nhất là chúc mừng người bạn trẻ.
Thành tích của Mbappe ở tuổi 25: vô địch World Cup 2018, Nations League 2021, giành sáu Ligue 1, bốn danh hiệu Cầu thủ hay nhất mùa của Ligue 1, năm danh hiệu Vua phá lưới Ligue 1 liên tiếp và đang trên đường chinh phục danh hiệu thứ sáu, kỷ lục ghi 246 bàn cho PSG.
Thanh Quý (theo Athletic)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/anh-huong-chinh-tri-cua-mbappe-4719584.html