Liên quan tới vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), ông Buffett chỉ ra sự tức giận của công chúng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Mọi loại rắc rối đều bắt nguồn từ các ngân hàng sụp đổ. Nhưng lãnh đạo của các ngân hàng này vẫn tiếp tục sống tốt. Họ có thể mất việc nhưng vẫn nhận được lương hưu”, ông Buffett nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 12/4. “Những người ra quyết định phải gánh chịu hậu quả mới đúng. Việc trừng phạt các cổ đông hàng tỷ USD… về căn bản không ngăn được hành động xấu”.
Vị tỷ phú 92 tuổi cho rằng chủ tịch và CEO của các ngân hàng phá sản không nên được hưởng tiền tiết kiệm về hưu và các giám đốc đó phải hoàn lại lương bổng trong 5 năm của mình.
Dù vậy, ông thừa nhận rằng cả hai điều này sẽ khó xảy ra. “Tôi không thấy bất kỳ người nào trở lại ăn bánh kẹp tại McDonald’s hay những thứ tương tự sau khi gây rắc rối cho cả hệ thống tài chính một cách nghiêm trọng trong khủng hoảng tài chính năm 2008-2009”, ông nói.
Dù vậy, nhà đầu tư nổi tiếng đồng tình với nhiều chuyên gia ngân hàng rằng những vấn đề được hé lộ trong vài tháng qua sau khi SVB sụp đổ không nghiêm trọng như khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Các khách hàng của SVB và Signature Bank – ngân hàng ở New York phá sản không lâu sau SVB – không phải lo sẽ mất tiền gửi vì Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã bảo lãnh toàn bộ tiền gửi tại hai nhà băng này – kể cả những khoản giá trị lớn hơn ngưỡng 250.000 USD được bảo hiểm thông thường”, ông Buffett nói.
Theo ông, động thái của FDIC là “phi thường” và giúp ông cảm thấy tự tin về sức khỏe ngành ngân hàng. Không phải ngân sách Chính phủ, chính các ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm khi chi phí của các vụ phá sản tăng lên – vị tỷ phú nói thêm.
Tuy nhiên, chính việc lãnh đạo của các ngân hàng phá sản không phải chịu hình phạt gì là một trong những lý do khiến công ty của ông Buffett – Berkshire Hathaway – bán phần lớn cổ phiếu ngân hàng của mình, bao gồm cả cổ phiếu đã nắm giữ trong 30 năm.
“Tôi cho rằng hệ thống đang hoạt động chưa hoạt động kiệu quả trong việc liên kết giữa hình phạt và thủ phạm trong những vụ việc quan trọng”, ông Buffett nói. “Những hình phạt nghiêm ngặt sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư cũng như khách hàng của nhà băng vào hệ thống ngân hàng. Hiện chẳng có hình phạt nào gắn liền với những hành vi xấu và việc này thực sự ảnh hưởng tới hệ thống, khi mà mọi người mất niềm tin vào các ngân hàng”.
Dẫn chứng vụ sụp đổ của ngân hàng SVB, ông Buffett cho rằng niềm tin đó có thể mất đi “chỉ trong vài giây”.
“Chúng ta đã chứng kiến một đất nước chẳng lo lắng gì về các ngân hàng, cho tới ngày thứ Tư hoặc thứ Năm gì đó, khi SVB sụp đổ. Và đột nhiên tất cả mọi người trên khắp cả nước lo lắng về hệ thống ngân hàng”, vị tỷ phú chỉ ra.
Ông Buffett cũng cho rằng nên cân nhắc việc đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại ở Mỹ. Một số người cho rằng Fed đã thiếu giám sát các nhà băng và tăng lãi suất quá nhanh khiến trái phiếu kho bạc mà các ngân hàng nắm giữ giảm giá trị mạnh hơn dự kiến. Nhưng ông Buffett lại có quan điểm ngược lại và thậm chí còn dành lời khen cho chủ tịch Fed Jerome Powell.
“Tôi nghĩ mình không thể điều hành Fed tốt giống như ông Jay Powell. Ông ấy thật tuyệt vời”, ông Buffett nói trong cuộc phỏng vấn.