Chân dung bác sĩ Pháp Alexandre Yersin, tên thân mật “Ông Năm Yersin”, được tái hiện trong “Sống để phiêu lưu” của Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Alexandre Yersin (1863-1943) là bác sĩ, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông nổi tiếng là người đã phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis). Ông mất ngày 1/3/1943 tại Nha Trang, nơi ông còn được biết đến với tên gọi quen thuộc hơn là “ông Năm” hay “Đốc-tơ Năm”.
Sau Đà Lạt, một thời hương xa, Đà Lạt, bên dưới sương mù và Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên cho ra mắt tác phẩm Sống để phiêu lưu – viết về một người đã có công tìm ra Đà Lạt – bác sĩ Yersin.
Khác với những tác phẩm lịch sử, biên khảo về Đà Lạt trước đó, thường phù hợp với đối tượng độc giả lớn tuổi, Sống để phiêu lưu được xem là món quà đầu tiên Nguyễn Vĩnh Nguyên dành cho độc giả nhỏ tuổi. Lồng ghép giữa hư cấu và những tài liệu về bác sĩ Yersin, những chuyến đi thực nghiệm của chính tác giả, sách viết về một Yersin gần gũi, nhân hậu, đôi khi có phần hài hước với những chuyến phiêu lưu ở Việt Nam.
Mở đầu sách, ông Yersin xuất hiện một cách dung dị và ấm áp giữa những em bé xóm Cồn (Nha Trang). Trong mắt bọn trẻ, Yersin là một ông già “tuổi bảy mươi, râu tóc xồm xoàm, bạc nhuốm gió sương”, luôn có cả một kho tư liệu về những cuộc phiêu lưu thời trai trẻ. Bọn trẻ thường đến nhà ông đọc sách, xem phim, và ở độ tuổi tò mò với mọi thứ, chúng dần được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú.
Từ đời sống thủy thủ cho đến các chuyến thám hiểm băng qua rừng sâu, Yersin từng bước dấn thân vào những vùng đất mà người địa phương cũng cảm thấy ái ngại: Băng qua rừng mưa nhiệt đới, vén bức màn dãy Trường Sơn, vượt vùng núi xa xôi Gia Lan, khám phá cao nguyên Lang Biang.
Hành trình của Yersin tại Việt Nam được tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên biên soạn lại có chắt lọc. Nhiều trang viết chỉ gồm một đoạn văn, giữa những chuyến đi là nhiều khoảng lặng tựa như một cuốn nhật ký. Nhưng điều được thể hiện rõ hơn cả là tinh thần của một nhà thám hiểm luôn cởi mở với những điều mới lạ, sự lạc quan, táo bạo trước những thử thách.
“Yersin luôn một mình với hành trình riêng. Ông có một cuộc sống nội tâm sâu thẳm và thú vị. Làm sao giữ được niềm đam mê, lý tưởng và phẩm giá cá nhân trước những tác nhân vị lợi đến từ ngoại cảnh? Tôi nghĩ ông đã luôn suy tư với câu hỏi này. Con người nội tâm Yersin cũng đang làm một cuộc phiêu lưu lớn trong một hoàn cảnh lịch sử thử thách, một thời đại thế giới phức tạp”, nhà văn cho biết.
Sống để phiêu lưu thể hiện tinh thần tuổi trẻ của Yersin và cũng là tinh thần của một thời đại đã qua. Giữa những chuyến thám hiểm, Yersin vẫn giữ vai trò của một bác sĩ và nhà khoa học. Ông chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, thành lập trung tâm nghiên cứu, xông pha đến nơi có dịch bệnh để tìm ra giải pháp. Hơn 80 năm sau khi ông mất, tinh thần đó vẫn truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.
Mượn câu chuyện của Yersin, tác giả nhắn nhủ với những độc giả nhí trong phần cuối tác phẩm: “Những chuyến khám phá rừng biển, những giờ xem phim và đọc sách sẽ vui thú hơn nếu con đã tự mình sắp xếp được thời gian hoàn thành tốt bài vở. Và ngược lại, cuốn phim con xem, cuốn sách con đọc hay những chuyến du khảo sẽ mở ra cho con một trời hiểu biết để việc học hành con được tiến xa hơn”.
Alexandre Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Lavaud, hạt Vaud, Thụy Sĩ. Năm 1891, ông đến Nha Trang sinh sống và làm việc ở đây cho đến ngày mất 1/3/1943. Thời gian ở đây, ông có nhiều công trình y học giá trị, trong đó đáng chú ý là phát hiện bệnh dịch hạch.
Ông là người sáng lập Viện Pasteur ở Nha Trang (1895), Hà Nội (1925, hiện là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Đà Lạt (1936, hiện là Công ty vaccine Pasteur Đà Lạt). Trước đó, Viện Pasteur Sài Gòn được bác sĩ Albert Calmette thành lập năm 1891. Đây là các đơn vị y tế, khoa học hàng đầu trong nghiên cứu phòng chống dịch, dịch tễ học.
Ngạn Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/song-de-phieu-luu-cung-ong-nam-yersin-4718527.html