Kinh phí hạn hẹp buộc tay vợt cầu lông nữ số một Việt Nam Nguyễn Thùy Linh phải thi đấu quốc tế mà không có sự hỗ trợ của HLV.
Thùy Linh vừa có lần đầu tiên vào chung kết một giải thuộc hệ thống Super 300 là Đức Mở rộng. Trong hành trình ấy, tay vợt quê Phú Thọ phải nhờ đồng nghiệp Lauren Lam – bại tướng của cô ở vòng 1/8 – ngồi vào ghế chỉ đạo để hỗ trợ về chuyên môn, do không có HLV chính thức.
Đây không phải lần đầu tiên Thùy Linh nhận được hỗ trợ kiểu vậy ở những đợt thi đấu quốc tế. Tại giải Phần Lan Mở rộng 2023, ngôi sao 27 tuổi được HLV Thái Lan Pakkawat Vilailak hỗ trợ trong một số trận đấu.
Theo chia sẻ của Thuỳ Linh cũng như đại diện Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, kinh phí không dư dả buộc VĐV phải đánh đổi giữa việc được thi đấu nhiều và không có đội ngũ hỗ trợ đi cùng.
Ngân sách dành cho môn cầu lông của Cục Thể dục Thể thao (TDTT) có hạn, phải chia cho tổ chức giải trong nước, tập huấn hay dự các giải châu Á, thế giới. Khi dự các giải mở rộng, VĐV phải có thêm hỗ trợ từ ngân sách CLB chủ quản hoặc nhà tài trợ. Thông thường chỉ những VĐV có trình độ cao cạnh tranh suất dự Olympic như Thuỳ Linh, Lê Đức Phát hay Nguyễn Hải Đăng mới được tạo điều kiện đi thi đấu.
“Nếu có HLV đi cùng thì chi phí sẽ tăng gấp đôi, đổi lại số giải tham dự phải giảm một nửa”, ông Lê Thanh Hà – Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam (VBF) – cho biết. “Thuỳ Linh cũng thấu hiểu khó khăn hiện tại và chấp nhận thi đấu một mình ở nhiều giải”.
Tay vợt sinh năm 1997 cho biết nhiều người chấp nhận không đi để dành tiền cho cô có các chuyến thi đấu thuận lợi và nhiều nhất có thể. “Việc thi đấu một mình không hề dễ dàng”, Thuỳ Linh chia sẻ. “Nhưng tôi hiểu rằng bản thân đang được hỗ trợ từ rất nhiều tổ chức, cá nhân để có thể thi đấu với lịch trình dày như hiện nay”.
Vẫn có những giải Thuỳ Linh được HLV đi kèm như giải Trung Quốc Mở rộng vào tháng 11/2023, với sự hỗ trợ từ HLV đội tuyển quốc gia Ngô Trung Dũng. Trong khi đó, một ê-kíp dành cho VĐV thường gồm ít nhất một HLV, một chuyên gia y tế. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đầy đủ thường chỉ xuất hiện ở các nền cầu lông mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia.
Nhiều VĐV trong top 50 như Thuỳ Linh vẫn phải thi đấu một mình, nổi bật có VĐV Mỹ gốc Trung Quốc Zhang Beiwen – đang đứng thứ 10 thế giới. Zhang Beiwen cho biết chơi cầu lông ở Mỹ không dễ dàng vì liên đoàn thể thao quốc gia này không trợ cấp mà VĐV phải tự bỏ ra mọi chi phí. Cô có nhiều lần phải kêu gọi hỗ trợ do thiếu tiền dự các giải quốc tế, đồng thời luôn du đấu mà không có HLV để tiết kiệm chi phí.
“Tôi không thể trả tiền cho một HLV riêng sẽ theo tôi ở mọi giải đấu”, Zhang Beiwen nói với SCMP (Trung Quốc) năm 2019. “Tôi chỉ tập luyện với một HLV khi đến Singapore – nơi anh ấy đang làm công việc HLV cá nhân”.
Trong thời gian tới, Thuỳ Linh vẫn tiếp tục chuyến du đấu tại châu Âu. Cô dự giải Pháp Mở rộng Super 750, từ 5/3 đến 10/3. Sau đó, Linh sang Anh dự All England Open Championships Super 1000, từ 12/3 đến 17/3 và Thuỵ Sĩ mở rộng Super 300, từ 19/3 đến 24/3.
Thuỳ Linh đang đứng thứ 23 thế giới. Mục tiêu của cô là thi đấu tốt để cải thiện thứ bậc, qua đó tìm kiếm một suất hạt giống ở Olympic Paris 2024. Nếu được xếp hạt giống, Thùy Linh sẽ có cơ hội vượt qua vòng loại cao hơn, mở ra cơ hội vào vòng 1/8.
Ngoài ra, VBF đã mời lại chuyên gia Indonesia Hariawan Hong, bắt đầu làm việc từ ngày 1/3. Mục tiêu quan trọng là rèn luyện những niềm hy vọng như Nguyễn Thuỳ Linh, Lê Đức Phát, Hải Đăng tranh vé đến Olympic 2024. Trước đó, chuyên gia Hong từng góp mặt ở đội tuyển cầu lông Việt Nam vào năm 2022.
Trung Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-nguyen-thuy-linh-khong-co-hlv-4718321.html