Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước đạt 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 đạt 5.000 km. Đến hết năm 2022, Việt Nam có tổng chiều dài 1.417 km. Như vậy, cả nước sẽ phải xây dựng 1.600km trong 3 năm và 3.600km trong 8 năm, tốc độ hoàn thành trung bình 450-500km/năm. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, Bộ GTVT được phân bổ 94.161 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 và 2021 lần lượt 1,7 lần và 2,1 lần. Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2023–2025.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Như vậy, hệ thống giao thông đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cảng biển…v.v… sẽ đón nhận dòng vốn đổ vào với mức lớn nhất từ trước đến nay. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, hạ tầng dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn đầu tư của Chính phủ.
Chính phủ vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đối với tuyến cao tốc Bắc-Nam Giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải được ủy quyền chỉ định các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm trong giai đoạn 1. Ngày 01/01/2023, 12 trong tổng số 25 gói thầu xây lắp của giai đoạn 2 đã chính thức được khởi công và chỉ định thầu cho các nhà thầu, trong đó không ngoài dự đoán của thị trường là những doanh nghiệp có năng lực trong mảng hạ tầng giao thông như Đèo Cả, Cienco4, Đạt Phương, Phương Thành, Trường Sơn, Vinaconex…
Theo ban quản lý dự án, các liên danh nhà thầu được lựa chọn đều là những nhà thầu mạnh, có bề dày thi công nhiều dự án cao tốc lớn trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp chỉ kéo dài 34 tháng. Trong bối cảnh quy mô gói thầu lớn hơn giai đoạn 1, trong khi số lượng nhà thầu ít hơn, các đơn vị cần phải tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai ngay từ đầu để chạy đua tiến độ.
Trong số các nhà thầu trên, Vinaconex và Cienco4 là hai doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lớn đang được niêm yết trên sàn. Vinaconex sau cổ phần hoá có sự chuyển đổi mạnh mẽ và tích cực, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh đa dạng. Vinaconex được biết đến là nhà thầu lớn tại một số công trình trọng điểm như: cao tốc Bắc – Nam GĐ1, GD2, cầu Vĩnh Tuy 2, nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Phú Bài…, các dự án BĐS như khu đô thị du lịch Cát Bà – Amatina, chung cư Green Diamond, khu đô thị đại lộ Hoà Bình …, Các dự án hạ tầng, dịch vụ như: BOT Hà Nội- Bắc Giang, thuỷ điện Lào Cai, thuỷ điện Đăkba .. đặc biệt Vinaconex tiếp tục duy trì mô hình công ty mẹ, công ty con tạo ra một chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh khép kín từ đầu tư, thi công xây dựng, kinh doanh vận hành hỗ trợ lẫn nhau và tạo nguồn thu ổn định cho toàn tổng công ty
Mặc dù vậy, tại giai đoạn 2 của dự án cũng gặp không ít khó khăn, nhiều nhà thầu đã kiến nghị cấp thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh công tác giao mỏ vật liệu, kiểm soát giá vật tư, vật liệu,… Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023 về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.
Đối với cao tốc giai đoạn 1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 1/4/2023 về tháo gỡ khó khăn cấp phép, gia hạn khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp có thẩm quyền, các nhà thầu góp mặt tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc giai đoạn 2 kỳ vọng các vướng mắc cơ bản sẽ được giải quyết trong thời gian tới, giúp các nhà thầu chủ động về nguyên vật liệu, thi công các dự án đúng tiến độ và chủ động quản lý chi phí đầu vào để tiết kiệm chi phí xây dựng.