Áo trấn thủ, áo lụa của thiếu nữ Hà Nội được tái hiện ở “Đào, phở và piano” – phim lấy bối cảnh chiến tranh cuối năm 1946.
Tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Ra rạp mùng Một Tết Nguyên đán (10/2), chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phim bất ngờ tạo cơn sốt vé và được chiếu thêm ở các cụm rạp sau hai tuần.
Đào, phở và piano khai thác cuộc sống của những người ở lại khu phố trong cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội cuối năm 1946, đầu 1947. Họa sĩ thiết kế Trần Phương Thảo cho biết kinh phí eo hẹp và sự cầu toàn của đạo diễn Phi Tiến Sơn là hai yếu tố chính gây áp lực cho nhóm phục trang. “Theo yêu cầu của anh Sơn, trang phục không chỉ đúng thời kỳ cuối thập niên 1940, mà còn phải thể hiện đúng tính cách của các nhân vật, đồng thời nâng tầm nghệ thuật”, cô nói.
Đầu năm 2022, Phương Thảo bắt đầu nhận được kịch bản và dành thời gian nghiên cứu tính cách của các nhân vật, tham khảo tài liệu về trang phục của người Hà Nội xưa. Tới tháng 4, cô và đạo diễn mới thống nhất được các mẫu quần áo. Cả nhóm mất ba tuần để may hàng chục bộ cho tuyến nhân vật chính và phụ. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, đoàn phim quyết định đi thuê trang phục nhà lính cho các diễn viên quần chúng từ kho của xưởng phim truyện Việt Nam.
“Diễn viên chính và phụ chỉ có một vài mẫu quần áo đơn giản, song mỗi mẫu phải may bốn phiên bản giống hệt nhau để thay liên tục, phòng cho những cảnh bom đạn, trang phục có thể bị bẩn, hỏng”, Phương Thảo nói.
200 bộ được chuẩn bị ngay sát ngày bấm máy 13/12/2023, với tông màu trầm và mộc mạc chủ đạo, thể hiện đúng màu trang phục còn xử lý thô sơ, đơn giản của người Hà Nội thời chiến. Cả nhóm nhiều lần thay đổi, sản xuất trang phục mới bởi khi ướm lên người diễn viên và quay thử cho ra những hiệu ứng không phù hợp với yêu cầu của đạo diễn. Sau quay phim, một số bộ đồ được tặng lại cho diễn viên làm kỷ niệm, số khác cất vào kho lưu trữ.
Trong phim, nhân vật Dân do Doãn Quốc Đam thể hiện là một thanh niên Hà Nội có học thức, từng làm công nhân trước khi gia nhập đội quân kháng chiến. Dân là hình ảnh tiêu biểu của thanh niên tầng lớp bình dân thời bấy giờ, với sơ mi carô, quần vải thô mềm ống rộng không ly. Để thể hiện sự dân dã, bụi phủi, Phương Thảo chọn cho nhân vật màu quần xanh tím than bạc màu. Khi người này gia nhập đoàn quân tự vệ, anh khoác thêm áo trấn thủ – trang phục đặc trưng của vệ quốc đoàn, đội mũ ca lô (calotte).
Ở một cảnh quay, nhân vật của anh được xây dựng phong cách tươm tất hơn, mặc thêm áo khoác đi mượn của ông họa sĩ hàng xóm, tay cầm cành đào cắm trên chiến lũy. Phương Thảo tâm đắc với thước phim này, bởi lột tả được chất lãng tử, lãng mạn của Dân – chàng trai Hà Nội không vì cuộc chiến mà quên đi vẻ đẹp của ngày Tết.
Ngược hình ảnh mạnh mẽ và dân dã của Dân là vẻ nhu mì, tiểu thư của Hương, người yêu Dân, do Cao Thùy Linh đóng. Vốn xuất thân tầng lớp tiểu tư sản, cô ăn vận có phần kiểu cách, sang trọng. Để lột tả vẻ đẹp của thiếu nữ Hà thành xưa, đoàn phim sử dụng tơ tằm và nhung the – những chất liệu được giới trung lưu và thượng lưu ưa chuộng.
Người Hà Nội rất chú ý đến cách ăn mặc từ thời cận đại. Khâu đầu tiên là chọn lựa chất liệu, sau đó tới kiểu dáng. Áo lụa tay rộng, cài năm khuy, khăn nhung hoặc len đội đầu – những thiết kế được giới nữ 36 phố phường yêu thích – đều tái hiện trên những bộ trang phục của Hương với tông xanh dương chủ đạo. Sắc màu này là một trong những gam quen thuộc và yêu thích của điện ảnh, tượng trưng cho vẻ đẹp sang trọng nhưng cũng là màu của nỗi buồn.
Ở bối cảnh trở về từ nơi tản cư, ban đầu cả nhóm làm áo khoác nhung cho Hương. Nhưng sau khi lên hình, hiệu ứng bắt sáng của chất liệu khiến cô trông sang trọng, không phù hợp với người đi di cư. Phương Thảo nói: “Anh Sơn yêu cầu đổi áo, nhưng vẫn với tông màu đó, chất liệu mềm mại như vậy, không tăng thêm chi phí. Trong cái khó ló cái khôn, tôi nảy ra ý dùng mặt trái của vải nhung còn thừa để may lại một chiếc áo mới”.
Một trong những bộ Phương Thảo tâm đắc làm cho nhân vật này còn có áo khoác dáng cape mặc với áo cổ lá sen viền đăng ten trắng trong cảnh quay ở nhà thờ. Họa sĩ cho biết cô mất hai ngày đi khắp các chợ vải để tìm mua màu xanh ánh tím theo đúng mong muốn của đạo diễn.
Ngoài hai nhân vật chính, tuyến nhân vật phụ cũng được chăm chút kỹ càng, nhằm lột tả sinh động văn hóa ăn vận của người Hà Nội xưa. Ông bà bán phở (diễn viên Anh Tuấn, Nguyệt Hằng) mặc áo nâu, áo len vặn thừng, đội mấn mang đậm hình ảnh của tầng lớp lao động. Ông họa sĩ không tên (Trần Lực) lấy cảm hứng từ những danh họa như Bùi Xuân Phái, mặc áo cổ trụ, quần ống rộng vải đũi, toát lên chất nghệ sĩ, tự do và mộc mạc. Ông Phán Tây học (Tuấn Hưng) đam mê ca trù, yêu chủ nghĩa lãng mạn, chỉnh tề với comple trắng.
“Chỉ là một ông họa sĩ già, ông bán phở, chú bé đánh giày, anh lính tự vệ. Nhưng tất cả nhân vật ấy đại diện cho đủ tầng lớp người dân Hà Nội năm 1947, quy tụ lại thành hình tượng người Hà Nội xưa”, nghệ sĩ Trần Lực nói.
Trần Phương Thảo sinh năm 1957 tại Hà Nội. Trong suốt 30 năm làm họa sĩ thiết kế, cô từng làm phục trang cho các tác phẩm như: Thằng Bờm (1987) của đạo diễn Lê Đức Tiến, Đêm hội Long Trì, Giông tố, Đất nước đứng lên, Người bất tử. Với phim Vợ ba (The Third Wife) của đạo diễn Nguyễn Phương Anh, cô giành giải Thiết kế phục trang xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Waterloo 2019 của Bỉ.
Cô còn là đạo diễn kiêm biên kịch của phim tài liệu Giấc mơ là công nhân, từng nhận giải thưởng Pierre-Yolande Perrault tại Liên hoan phim tài liệu Cinéma du réel 2007.
Ý Ly
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trang-phuc-nguoi-ha-noi-nhung-nam-1940-trong-dao-pho-va-piano-4717540.html