“Sứ đoàn Iwakura” tuyển tập nghiên cứu của học giả châu Âu về hành trình người Nhật thời Minh Trị du khảo phương Tây.
Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị do nhà sử học Ian Nish (1926-2022) biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai và Nguyễn Tâm dịch.
Ian Nish là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London, Anh. Ấn phẩm do công ty sách Phương Nam phát hành vào tháng 7/2023, kỷ niệm Nhật Bản – Việt Nam 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 150 năm chuyến đi của sứ đoàn Iwakura.
Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.
Thiên hoàng Minh Trị lên ngôi mở ra trang sử mới cho tương lai của Nhật Bản. Để kéo đất nước khỏi những tàn dư của chính quyền Mạc Phủ Tokygawa, giới trí thức bấy giờ quyết định đi theo con đường “Bunmei Kaika” (văn minh khai sáng), học hỏi tinh hoa của người Tây dương, canh tân cấp tốc. Mục đích của người Nhật là xây dựng nhà nước hiện đại với nền công nghiệp vững mạnh đủ sức đương đầu với thế lực phương Tây. Kết quả của mục tiêu là sự ra đời của sứ đoàn Iwakura.
Phái đoàn ra đời với hai mục đích chính: Giới thiệu với các quốc gia hùng mạnh bộ mặt lãnh đạo của nước Nhật mới, tìm cách tái thương thảo những hiệp ước bất lợi cho Nhật Bản, đồng thời học tập và đánh giá toàn diện các lĩnh vực phát triển của cường quốc để áp dụng cho tương lai nước nhà.
Sứ mệnh dẫn dắt sứ đoàn được giao cho công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) – là một hữu đại thần (udajin) và một trong những thành viên quan trọng nhất của nội các. Ông dẫn đầu đoàn gồm 50 quan chức cao cấp, trong đó có Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản – Ito Hirobumi – bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp mới 30 tuổi, cùng 60 du học sinh có nhiệm vụ thông dịch, thông tin tại các quốc gia. Chuyến du khảo bắt đầu ba năm sau Hoàng đế Minh Trị nắm quyền, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nổ ra xoay quanh bán đảo Triều Tiên.
Chuyến công du kéo dài 22 tháng (1871-1873) đưa sứ đoàn gặp gỡ tất cả nhà cầm quyền tối cao như Tổng thống Grant Mỹ, Nữ hoàng Anh Victoria, Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức) và cùng bàn luận nhiều vấn đề mang tính quốc gia. Các chuyên gia lập luận tùy vào thời gian và suy nghĩ của những người liên quan, động cơ của phái đoàn sẽ thay đổi để đáp ứng tình huống cụ thể, phù hợp cách đối đãi của nước sở tại. Những ghi phép cũng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng không kém của phái đoàn là đi thăm các thành tựu công nghệ, quân sự, văn hóa của các thể chế chính trị khác nhau nhằm học hỏi các mô hình tổ chức thành công.
Trong quá trình du khảo, các học giả ghi nhận nỗ lực của sứ đoàn trong sứ mệnh tìm kiếm “văn minh khai sáng”. Họ sẵn sàng tiếp nhận nền văn hóa mới, khoác âu phục quý phái, học cung cách giao tiếp xa lạ, chấp nhận những giá trị Tây phương như cách tôn trọng nước bạn cũng như thể hiện quyết tâm thay đổi vận mệnh dân tộc.
Sau chuyến du hành về phía Tây, nhà nước Minh Trị đã có nhiều quyết định cải cách mang tính lịch sử. Theo ghi nhận, một trong những điểm sáng của cuộc cải tổ là nhấn mạnh vị thế của lĩnh vực giáo dục, đề cao phát triển nội lực. Nếu trước chuyến đi, Nhật Bản giai đoạn 1868-1902 đã tạo ra “đợt thủy triều” du học đầu tiên tại châu Á, thì sau đó, quốc gia này chủ trương thuê giáo viên ngoại quốc, chọn giáo sư, kỹ sư nước ngoài làm cố vấn cho các Đại học trọng điểm. Ngoài ra, vấn đề tôn giáo cũng được chính phủ lưu tâm, bỏ lệnh cấm hành đạo Kito.
Chỉ trong khoảng 30 năm ngắn ngủi, cuộc Duy Tân Minh Trị đã hoàn thành, đưa nước Nhật sánh ngang vị thế của các cường quốc phương Tây, buộc các đế chế chấp nhận thực hiện các hiệp ước bình đẳng với nhau. Nhật Bản vươn mình thành con rồng châu Á.
Trong lời dẫn nhập cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh viết: “Chuyến công du của Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ. Các nước phong kiến đắm chìm trong Nho giáo, hay tôn giáo, không có những năng lực thức tỉnh và nhận định thời thế, cũng như năng lực hành động như thế”.
Còn dịch giả Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: “Về chuyến đi lịch sử này, vốn được xem như dấu mốc quan trọng trong công cuộc Duy Tân Minh Trị, thường được ví như chuyến du hành của Columbus hay ‘Tây du ký’ thời hiện đại để tìm hiểu, quan sát thế giới mới. Những nhà tri thức tiêu biểu thời Minh Trị đã vượt biển ra đi với sứ mệnh vẽ nên Nhật Bản, cùng vận mệnh châu Á tương lai. Sau khi tìm hiểu, tôi càng chắc hơn về những giá trị đặc biệt cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam”.
Phương Thảo
Nguồn tin: https://vnexpress.net/su-doan-iwakura-chuyen-cong-du-canh-tan-nhat-ban-4715672.html