Bệnh nhân là ông N.T (88 tuổi, trú tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, nhập Bệnh viện Bãi Cháy (TP Hạ Long) cấp cứu trong tình trạng vàng da, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn nhiều lần, đi ngoài… Gia đình bệnh nhân cho biết, để chữa bệnh táo bón, ông T đã hái lá lộc mại trồng tại nhà nấu nước uống.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã thăm khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp, tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng, tổn thương gan, phổi do ngộ độc lá lộc mại. Tiên lượng bệnh diễn biến phức tạp, nguy kịch.
Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng truyền máu, kháng sinh, thải độc, hồi sức tích cực theo phác đồ. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số hô hấp, men gan, tan máu cải thiện.
Lộc mại là cây dược liệu mọc hoang phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc và vùng đồng bằng Việt Nam. Dân gian thường truyền nhau kinh nghiệm uống nước lá lộc mại để chữa bệnh táo bón, kiết lỵ… Tuy nhiên việc sử dụng không đúng cách, quá liều lượng có thể dẫn đến ngộ độc.
Theo bác sĩ Trần Công Cẩn, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Người bị ngộ độc lá lộc mại thường có biểu hiện nhịp tim nhanh, mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, đi tiểu màu đỏ do một số loại sắc tố trong lá cây gây ra, đi tiểu vặt và buốt… Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị tan máu cấp, thiếu máu nặng, suy gan, suy thận, thậm chí suy đa tạng và tử vong nhanh chóng”.
Bệnh nhi T.M (9 tuổi, Hà Tĩnh) có tiền sử động kinh, thời gian gần đây, gia đình thấy con co giật nhiều nên đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho trẻ uống. Sau khi dùng thuốc, các cơn giật của T.M không giảm mà còn tăng lên kèm theo nôn, đau đầu, lơ mơ dần. Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị ngộ độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Sau 1 ngày điều trị, tình trạng tri giác của bệnh nhi xấu dần, tăng áp lực nội sọ nặng, đe dọa đến các chức năng sống và bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Đây là một ca ngộ độc rất đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết của gia đình khi không tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sĩ chuyên khoa, không cho trẻ uống thuốc đều đặn và đi tái khám theo lịch mà lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh”.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng thuốc theo đơn cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ chuyển biến nặng. Đặc biệt, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.