50 huyện và hơn 1.200 xã trên cả nước sẽ được sáp nhập trong năm 2024 nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công.
Chiều 28/2, tại phiên họp Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp huyện xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 56 tỉnh thành có huyện, xã thuộc diện sáp nhập đã xây dựng xong phương án.
Trong 50 huyện sẽ sáp nhập thì 11 huyện bắt buộc, 16 huyện khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập, toàn quốc dự kiến giảm 14 huyện. 19 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù.
Toàn quốc giảm hơn 600 xã sau khi sáp nhập 1.243 xã (738 xã bắt buộc, 109 xã được khuyến khích và 396 đơn vị liền kề). Hơn 500 xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện do đặc thù.
Bộ Nội vụ cho rằng số huyện xã không phải sáp nhập do yếu tố đặc thù khá lớn, trong khi việc xác định các yếu tố về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, vị trí địa lý, an ninh quốc phòng rất phức tạp. Công việc này cần thu thập đủ tư liệu lịch sử, khoa học và có cơ sở pháp lý.
Để hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tuyên truyền tốt để người dân, cán bộ, công chức, viên chức, lao động đồng thuận. Sau sáp nhập, địa phương sớm ổn định đời sống nhân dân và có chính sách phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở vật chất, trụ sở dôi dư.
Theo đại diện Bộ Công an, việc sáp nhập huyện xã sẽ thay đổi tên gọi đơn vị hành chính nên một số trường thông tin của người dân sinh sống ở đó sẽ thay đổi. Vì vậy, Bộ Công an sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này.
Sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đổi giấy tờ, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, Bộ Công an khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới. Việc này được thực hiện miễn phí.
Kết luận của Bộ Chính trị đầu năm 2023 đánh giá, việc sáp nhập huyện xã đã giảm đáng kể đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy và biên chế, giảm chi ngân sách, mở rộng không gian phát triển địa phương. Tuy nhiên, việc sáp nhập còn hạn chế như chưa giải quyết tốt chính sách cho cán bộ, trụ sở làm việc dôi dư, chất lượng đô thị chưa đảm bảo.
Theo quy định, tiêu chuẩn huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2. Các huyện xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200%; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300%.
Giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Qua đó, cả nước đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã. Việc sắp xếp giúp giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ca-nuoc-sap-nhap-50-huyen-trong-nam-nay-4716234.html