Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói so với các nước, bộ máy hành chính Việt Nam nặng nề nên khó tăng lương, vì vậy cần “vượt qua chính mình” để sáp nhập huyện xã thành công.
Chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã giai đoạn 2023-2030, chiều 28/2, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý đây là việc khó, trong khi thời gian thực hiện hạn hẹp. Từ nay đến lúc tiến hành sáp nhập huyện xã theo kế hoạch chỉ còn 6 tháng.
“Sắp xếp huyện xã là đụng chạm đến các địa phương, chế độ chính sách của rất nhiều người, nên đòi hỏi làm thật kỹ lưỡng”, ông Quang nói và bày tỏ, cùng với bộ máy nặng nề, việc “đông người, nhiều ý kiến” cũng dẫn đến làm việc khó hiệu quả.
Đồng thời, ông Quang nhấn mạnh tinh thần có giải pháp hài hòa, tôn trọng ý kiến hợp lý của cơ sở. “Phải tôn trọng anh em cơ sở bởi sướng khổ thì họ chịu”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu thủ tục gọn nhất có thể.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường truyền thông về chủ trương này qua mạng xã hội để nâng cao hiệu quả.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết trong số các huyện sáp nhập hai năm tới, có 17 huyện sau đó sẽ là đô thị với 11 thành phố. Tuy nhiên, ông lo ngại khi chất lượng đô thị các huyện sau sáp nhập sẽ gặp nhiều khó khăn để đáp ứng tiêu chí cần thiết.
Ông dẫn chứng, huyện Cao Lộc sẽ sáp nhập vào thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nhưng huyện này rộng gấp 8 lần thành phố. Vậy sau khi sáp nhập, thành phố Lạng Sơn mới sẽ đáp ứng tiêu chí về đô thị ra sao.
Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị khi địa phương xây dựng phương án sáp nhập huyện xã cần có ngay giải pháp sắp xếp trụ sở, tài sản công để tránh lãng phí.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ nay đến 2025, toàn quốc có 50 huyện sáp nhập, trong đó 11 huyện bắt buộc, 16 huyện khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập, toàn quốc dự kiến giảm 14 huyện. 19 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù.
Từ nay đến 2025, toàn quốc giảm hơn 600 xã sau khi sáp nhập 1.243 xã (738 xã bắt buộc, 109 xã được khuyến khích và 396 đơn vị liền kề). Hơn 500 xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện do đặc thù.
Theo quy định, tiêu chuẩn huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2. Các huyện xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200%; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300%.
Giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Qua đó, cả nước đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã. Việc sắp xếp giúp giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-kho-tang-luong-vi-bo-may-nang-ne-4716429.html