Trước đó 1 tháng bệnh nhân đi đánh bẫy chuột bị đứt tay, có vặt nắm cỏ nhai để bịt vào vết đứt tay. Về nhà bệnh nhân thấy vướng họng, đau rát họng, cảm giác có con vật trong họng, soi gương thấy một phần vật thể màu nâu đen động đậy, kèm theo có biểu hiện khàn tiếng từng lúc, có lúc mất tiếng. Bệnh nhân cũng cho biết không khó thở, không sốt, không buồn nôn, có đôi lúc ho khạc ra ít máu lẫn trong nước bọt.
ThS.BS Hà Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt – Mắt (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết: “Đây là ca bệnh dị vật sống đường thở ít gặp. Sau khi tiến hành nội soi tai mũi họng phát hiện “dị vật sống” ở thanh quản, khi dùng ánh sáng soi, dị vật chân bám chặt phía dưới hạ thanh môn gần khí quản. Tham khảo ý kiến từ khoa Gây mê hồi sức, nếu tiến hành gây tê lấy dị vật còn sống ra ngoài sẽ khiến người bệnh giãy giụa khó thở, khó thực hiện việc đưa dị vật ra, thậm chí khả năng dị vật còn chui sâu xuống bên trong, do vậy chúng tôi đã quyết định tiến hành gây mê bệnh nhân”.
Các bác sĩ lấy “dị vật sống” thành công. Dị vật sau khi được lấy ra là một con đỉa suối đang sống có kích thước khoảng 6cm. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường và xuất viện về với gia đình.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị đỉa ký sinh trong cơ thể thường sống ở khu vực miền núi, vùng nông thôn hay sử dụng nước trong các khe suối, con mương. Con đỉa khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước rất nhỏ nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước, lá cây, rau rừng không đảm bảo ở các khe suối, con mương để uống, sinh hoạt, đề phòng các dị vật sống chui vào người. Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường về sức khỏe, người dân cần đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng, tránh nguy cơ để dị vật kí sinh trong cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.