TP HCMBị bỏ rơi từ sơ sinh, chị Ngọc Trần không biết gì về gốc gác của mình cho đến một ngày tháng 3/2023 nhận được kết quả xét nghiệm ADN từ bên kia đại dương.
Những ngày đầu năm 2024, chị Ngọc luôn trong trạng thái đan xen muôn vàn cảm xúc. Chị dành toàn bộ thời gian còn lại của mình để ghé thăm từ biệt những người quen, người bạn, những góc phố, hàng cây. Vài ngày nữa, chị sẽ rời quê mẹ về quê cha.
“57 năm, gần hết một đời người, tôi mới bắt đầu khám phá một nửa dòng máu chảy trong mình”, chị Ngọc chia sẻ.
Hè năm 1967, chị Ngọc được mẹ đẻ mang đến gửi một người phụ nữ ở ở đường Võ Di Nguy nhờ chăm sóc. Hai tháng đầu thi thoảng mẹ tới thăm, gửi vài đồng tiền công. Nhưng từ tháng thứ ba, bà không đến nữa. Người phụ nữ (sau này trở thành ngoại nuôi của chị) không nhớ được tên tuổi, không biết liên lạc của mẹ chị.
Trong thời loạn lạc, cưu mang một đứa trẻ lai không hề đơn giản nhưng ngoại và ba con gái (ba người mẹ nuôi của Ngọc) đã luôn che chở để cho chị một mái nhà yên ấm. Lớn lên, mặc cảm cảnh không cha không mẹ nên chị Ngọc ở vậy không kết hôn.
Nỗi đau đáu thân phận khiến chị sụp đổ khi ngoại nuôi mất, 17 năm trước. Nằm trên giường, thân thể rệu rã, chị nhận ra cuộc sống vô thường. “Nếu ngày mai không thức dậy nữa, chẳng lẽ tôi vẫn không biết mình là ai trong cuộc đời?”, nhiều lần chị tự hỏi.
Khỏe lại, nữ nhân viên văn phòng này bắt đầu tiếp cận thông tin trên Internet. Cứ rảnh chị lại gõ chữ “con lai” và đọc mọi thông tin về chiến dịch không vận babylift năm 1975. Chị vào các trang web để tìm xem nhỡ may cha hoặc mẹ đi tìm mình.
Một lần, chị đọc được thông tin về anh Phan Nhật Tùng (Jimmy A. Miller), người sáng lập tổ chức Amerasians Without Borders để hỗ trợ những người con lai tìm gia đình. Như người chết đuối vớ được phao, Ngọc liền liên lạc Jimmy xin được hỗ trợ thử ADN.
Jimmy cho biết Ngọc là một trong những người sau cùng liên hệ trước khi đợt thử ADN đóng lại tháng 4/2022. Nhưng thử lần một, hai, rồi đến tận lần thứ tư, mẫu ADN đều hỏng. Hy vọng rồi thất vọng, Ngọc đã muốn buông xuôi. “Tôi chỉ cần biết mình có phải là con lai không, nhưng chẳng lẽ không có phép màu nào?”, bao lần chị tự hỏi.
Tổ chức của Jimmy cho thêm cơ hội. Ở lần thứ 5, lấy xong mẫu nước bọt chị nhận ra nó trong và không bọt, khác hẳn bốn lần trước nên dấy lên hy vọng. Suốt mấy tháng đêm nào năm xuống chị cũng ngóng trông kết quả.
Ngày 23/3/2023, Ngọc mở điện thoại lúc 9h sáng thì thấy một số lạ gọi nhỡ suốt từ 4h30. Linh tính mách bảo, chị bấm số mà tim đập thình thịnh. Vừa được kết nối, người ở đầu dây nói: “Em báo chị đã có kết quả rồi”.
Nước mắt Ngọc tuôn trào, cổ nghẹn lại không cất được tiếng nói. Người ở hai đầu dây khóc không biết trời đất. “Đến vài tiếng sau cuộc gọi tôi vẫn cảm thấy không ở trên mặt đất, phải véo tay mấy lần”, chị kể.
Kết quả xét nghiệm và đối chiếu ADN cho biết cha của chị Ngọc Trần là ông Ronald Neal Hodnett, sống ở New Bern, bang North Carolina. Ông đã qua đời nhưng vẫn còn các cô, bác. Ngày 1/4, chị được kết nối và nói chuyện với người cô ruột tên Linda. Qua cô, chị biết bố sinh ra trong gia đình có 9 anh em, 5 người đã mất, còn lại hai bác trai và gái đều trên 90 tuổi, hai cô và chú đều trên 70 tuổi. Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên, người cô khóc rất nhiều vì không tưởng tượng ra có một đứa cháu thất lạc.
“Cháu là đứa con duy nhất của anh Ronny”, bà Linda nói.
Ông Ronald có 27 năm phục vụ trong không quân. Trở về sau chiến tranh Việt Nam, ông bị sang chấn tâm lý, mãi sau này mới dọn về sống với một bà dì và cùng nuôi con của bà. Ông không hề biết mình có con gái, cũng chưa từng chia sẻ với người thân về mối tình với người phụ nữ Việt. Qua những câu chuyện của cô chú, ông là mẫu người của gia đình, rất yêu thương anh em, con cháu.
Ronald mất từ năm 1997 nhưng ký ức về ông vẫn sâu đậm trong lòng người thân. “Cô tôi giặt sạch bộ quân phục của ba, treo trong tủ giữ gìn như báu vật. Còn bác tôi vẫn giữ chiếc mũ không quân của ba”, chị Ngọc kể và cho biết những món đồ này sẽ được trao lại cho chị. “Mặc dù không được gặp ba, tôi luôn nghĩ về ông với tình yêu thương, trân trọng nhất”.
Sau hơn 50 năm cuộc đời, người phụ nữ này lần đầu tiên được cất tiếng gọi đấng sinh thành. Chị Vân, người bạn thân của Ngọc kể: “Từ lúc biết về ba, Ngọc cứ một tiếng ‘ba tao thế này, ba tao thế kia’. Giọng hệt như đứa trẻ khoe ba của mình”.
Riêng về mẹ, đến nay vẫn là ký ức mù mịt. Trước khi chuyển sang quận 7, gần 50 năm qua chị Ngọc vẫn sống cùng gia đình ngoại nuôi trong ngôi nhà ở đường Võ Di Nguy, nay là Phan Đình Phùng, cách sân bay Tân Sơn Nhất không xa. “Nếu mẹ muốn tìm tôi, chắc chắn sẽ thấy”, chị nói thêm.
Giờ biết được cha, chị quyết tâm dành phần đời còn lại khám phá về dòng máu của mình. Cuối tháng này, Ngọc Trần sẽ khởi hành tới thành phố Spokane, bang Washington. Các cô chú và những người cháu cũng bay từ North Carolina đoàn tụ.
Kế hoạch trước mắt chị Hoa sẽ sống tại thành phố Spokane, bang Washington, nơi có hàng chục gia đình con lai từ Việt Nam đang định cư, với sự hỗ trợ của tổ chức của Jimmy.
Bà Linda tha thiết được đón cháu trở về với gia đình, song tôn trọng quyết định này. Với bà, biết về sự tồn tại của Ngọc là một món quà tuyệt vời với đại gia đình. Và Linda tin rằng người anh đã khuất của mình đã soi đường chỉ lối cho cuộc đoàn tụ này.
“Con đã đi chơi lâu quá rồi, trở về với gia đình thôi”, bà nói.
Trước ngày lên đường, Ngọc cho biết không yên lòng nhất là ba người mẹ nuôi, hiện đều từ 70-80 tuổi. Hơn 50 năm bên nhau, họ còn hơn người thân ruột thịt của chị. Sau khi ngoại mất, Ngọc sống với người mẹ út. Những ngày qua chị về miền Tây thăm mẹ cả, mẹ hai. Nắm lấy những đôi bàn tay đã lập cập, vén mái tóc trắng của các mẹ, chị ôm họ thật lâu.
Trong hành trang lên đường, Ngọc mang theo hai bảo vật là tấm hình và chiếc áo của ngoại nuôi với tình yêu và sự biết ơn to lớn. Thắp nén nhang, nhìn người trong di ảnh hiền hậu, chị nhớ lại giây phút cuối đời ngoại luôn nhắc nhở “ráng kiếm gia đình đi”.
“Chuyến này con đi là để trở về, ngoại ạ”, Ngọc khấu đầu trước di ảnh, nói.
Phan Dương
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phep-mau-cua-nguoi-phu-nu-hon-50-nam-di-tim-than-the-4713885.html