Chủ nhật, 25/02/2024 12:58 (GMT+7)
–“Chữa lành” được biết đến nhiều nhờ công chúng
Tôi quan sát khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm “chữa lành” được biết tới nhiều hơn nhờ công chúng. Hiện nay, trào lưu “chữa lành” trở nên phổ biến và có thể coi là nhu cầu thực sự của thế hệ.
Bản thân tôi nhận thấy, giới trẻ đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần và họ cần được “chữa lành” để vượt qua những vấn đề của bản thân, hy vọng có được chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi người trẻ đã biết quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình.
Và hơn hết, không thể phủ nhận được sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội. Khi thông tin “chữa lành” được cập nhật, ngay lập tức giới trẻ sẽ lan truyền thông tin với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Chưa kể tới việc mạng lưới hỗ trợ về sức khỏe tinh thần hiện nay còn thưa thớt và ít được biết đến. Vì vậy, việc “chữa lành” như một liệu pháp được người trẻ tìm đến khi không biết tìm đến nơi đâu để giải quyết vấn đề của chính mình.
Ai rồi cũng sẽ cần được xoa dịu, vỗ về
Một người sở hữu thân hình khoẻ mạnh, vạm vỡ, gương mặt luôn nở nụ cười rạng rỡ hay những người có dáng dấp nhỏ nhắn, nét mặt lộ rõ vẻ khắc khổ cũng sẽ có lúc gặp phải những khó khăn. Trong cuộc sống này, mỗi cá nhân đều sẽ có những góc khuất riêng. Hơn hết, họ cũng cần tới những cái ôm vỗ về kèm theo lời động viên.
Có nhiều so sánh cho rằng sức chịu đựng của giới trẻ kém hơn so với những thế hệ trước. Nhưng tôi thiết nghĩ, dù ở thế hệ nào cũng có những khó khăn. Chúng ta thường đánh giá thế hệ trẻ sống trong một môi trường sung túc và đầy đủ hơn về mặt vật chất nên khả năng chịu đựng không cao. Nhưng ngay tại thời điểm này, giới trẻ cũng đang chịu nhiều áp lực không kém, từ chuyện thành đạt, đến yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
Trên thực tế, có nhiều người tự “chữa lành” được cho bản thân mình và cũng có một số người “chữa lành” được cho người khác. Có một số người khi gặp những vấn đề tâm lý thì cảm thấy rất nặng nề, đau khổ, mệt mỏi nhưng cùng vấn đề đó ở người khác lại diễn ra với cường độ thấp hơn.
Việc một người tự “chữa lành” cho bản thân thể hiện rằng người đó nhận ra vấn đề của mình, hiểu mình và cố gắng để giải quyết. Đây cũng là điều những người làm tâm lý hướng tới, khơi dậy sức mạnh nội tại giúp cá nhân đó vượt qua khó khăn.
Nhắc tới đây, tôi nhớ tới trường hợp của một người bạn cũ. Người bạn này cũng đã rất cố gắng để vượt qua “thời kỳ tăm tối” của mình. Bạn học này ít tuổi hơn tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn tôi loay hoay cuộc sống nơi thành thị với mục tiêu tìm được chỗ đứng trong xã hội. Khi nhận ra bản thân không còn phù hợp với môi trường náo nhiệt, người bạn của tôi quyết định gạt bỏ tất cả để về quê. Cũng từ đây, bạn tôi đối diện với rất nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè và xã hội. Mọi người định kiến việc bạn ấy tốt nghiệp đại học nhưng khó tìm được công việc ổn định và không thể bám trụ lại thành phố.
Từ một người hòa đồng, thân thiện, bạn tôi trở nên đa sầu đa cảm, khép mình và ngại va chạm với đám đông, lúc nào cũng muốn ở trong phòng và đóng cửa lại. Việc này kéo dài rất lâu, người bạn này đã phải rất nỗ lực, lên kế hoạch tự giải quyết các vấn đề của bản thân. Sau khi lấy lại được năng lượng tinh thần, bạn ấy mới chia sẻ với tôi rằng, khi mây mù bao phủ, rất khó để nhìn rõ ràng đường đi. Nhưng khi đi từng bước một, dần dần cũng vượt qua con đường.
Tựu chung lại, tự “chữa lành” hay “chữa lành” đều là những phương pháp để giúp những cá nhân vượt qua được vấn đề của chính mình. Là một giảng viên dạy bộ môn Tâm lý học, tôi biết rằng, các học trò cũng là những đối tượng phải trưởng thành, trải qua những khó khăn, thử thách, đôi khi khiến các em suy sụp, cảm xúc nặng nề… Do đó, việc tự “chữa lành” hay “được chữa lành” sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu đã là liều thuốc thì cần sử dụng đúng cách và không quá lạm dụng.
Cẩn trọng với dịch vụ “chữa lành”
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp chữa lành được biết đến và được thực hành tại Việt Nam. Chẳng hạn như múa trị liệu, thiền, du lịch, chánh niệm, viết nhật ký… Những phương pháp này nếu được triển khai hiệu quả có thể giúp người đang gặp vấn đề hiểu bản thân, hiểu tình huống và ứng phó với tình huống hoặc đưa ra những chiến lược phát triển tinh thần lâu dài. Và không chỉ người trẻ cần “chữa lành” mà nhiều lứa tuổi khác nhau đều tìm tới việc “chữa lành” tâm hồn sau những tổn thương và biến cố.
Tuy nhiên, có rất nhiều trung tâm, công ty hoặc cá nhân lợi dụng sự tin tưởng của những người đang gặp tổn thương về mặt tinh thần để mở các dịch vụ chữa lành với mức phí rất cao, thậm chí họ không có chuyên môn về mặt tâm lý, giáo dục hay lĩnh vực liên quan tới sức khỏe tinh thần.
Dành lời khuyên cho các bạn tìm đến những địa điểm “chữa lành”, tôi luôn mong các bạn tìm được những trung tâm uy tín, thuộc các tổ chức của Hội Tâm lý – Giáo dục. Hãy nên xem xét sự uy tín của các chuyên gia bằng cách xem xét bằng cấp, chứng chỉ của họ và những nơi chữa lành có được cấp giấy phép hoạt động hay không. Quan trọng nhất, khi bản thân tự tìm hiểu phương pháp “chữa lành”, cần nâng cao năng lực, kỹ năng để có hiệu quả tốt nhất, tránh để bản thân lạm dụng bất cứ phương pháp xoa dịu nào. Bên cạnh đó, xây dựng thói quen và lối sống tích cực cũng làm giảm những vấn đề về sức khỏe tinh thần.