Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, dịp Tết Nguyên đán, đơn vị liên tục tiếp nhận và điều trị các ca bệnh hóc dị vật.
Điển hình, đơn vị vừa cấp cứu cho bé trai Đ.H.A (9 tháng tuổi, tỉnh Đồng Tháp) bị hóc sặc hạt đậu đũa.
Khai thác bệnh sử được biết, gia đình cho trẻ cầm đậu đũa chơi. Sau đó, mẹ nghe tiếng bé khóc, ho sặc, tím môi, có xử trí vỗ lưng và đưa vào bệnh viện địa phương. Sau đó, chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Tại đây, bệnh nhi được đặt ống dẫn lưu, nội soi phế quản, ghi nhận dị vật hình tròn màu vàng nhạt bít hoàn toàn phế quản trung gian. Bác sĩ dùng kiềm gắp dị vật thành công, dị vật là hạt đậu.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cũng tiếp nhận bé trai L.P.A (2 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM) trong tình trạng bứt rứt, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt. Cách nhập viện một giờ, trẻ ăn cháo cá lóc, đột ngột ho, sặc sụa, nôn ói, tím tái. Người nhà phát hiện, lập tức chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Bác sĩ thực hiện nội soi gắp ra dị vật là mảnh xương cá
Qua những trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở.
Cha mẹ cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như hạt đậu, lạc, hạt trái cây to, ngô (bắp), vỏ tôm, cua… để hạn chế những sự cố nguy hiểm xảy ra.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Thanh Hồng – Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2, dị vật đường thở là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ em. Đặc biệt, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng do dị vật làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến thiếu oxy.