“Tứ hoàng” thống trị thị trường bia Việt
Qua nhiều năm, thị trường bia Việt Nam được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn, gồm Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán MB (MBS), 4 hãng trên hoạt động mạnh theo các vùng miền khác nhau: Sabeco có thị trường chủ lực ở phía Nam, Habeco là phía Bắc còn Carlsberg chiếm ưu thế ở miền Trung do nhà máy sản xuất bia của công ty nằm tại Huế.
Heineken, ban đầu chiếm ưu thế ở thị trường miền Nam với phân khúc cao cấp-cận cao cấp, dần dần đã mở rộng mạng lưới phân phối đến khắp tất cả tỉnh thành, tập trung ở các thành phố lớn và hướng tới người dùng trẻ, năng động.
Với lượng dân cư lớn, thu nhập cao và văn hóa “nhậu” đặc trưng, khu vực miền Nam chiếm hơn nửa tổng lượng bia tiêu thụ của Việt Nam, theo sau là miền Bắc và cuối cùng là miền Trung. Đó cũng là lý do Sabeco và Heineken – hai hãng phổ biến tại miền Nam – chiếm tới 78,3% toàn thị trường năm 2021, áp đảo hai hãng còn lại.
Các hãng khác chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường, có thể kể tới những cái tên như hãng bia Nhật Sapporo, hay hãng bia Bỉ – Brazil AB InBev.
Cách biệt lớn về thị phần cũng như độ phổ biến với người dân, mạng lưới tiêu thụ, bề dày phát triển tại Việt Nam khiến các hãng bia khác khó có thể cạnh tranh về thị phần với Sabeco và Heineken, khi 2 hãng này đều đã duy trì được một số đối tượng khách hàng chính qua nhiều năm.
Theo Kirin Holdings, Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 4 tỷ lít trong năm 2020, chiếm 2.2% toàn cầu. Trong khu vực, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, với mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia/năm.
Loay hoay với máy thổi nồng độ cồn: Heineken đánh liều tiếp thị trên cao tốc, Sabeco chi tiền cho Rap Việt, Sea Games
Theo thống kê, sự sụt giảm lượng tiêu thụ liên tục khiến doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt xuống hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.
Một trong những đơn vị sụt giảm nhiều nhất là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với doanh thu giảm từ 35,2 nghìn tỷ đồng năm 2022 xuống còn 30,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2023. Tính riêng doanh thu bán bia, Sabeco cũng bị giảm 12%, từ 30,6 nghìn tỷ đồng năm 2022 xuống còn 29,6 nghìn tỷ đồng năm 2023.
Theo Kantar, tâm lý người tiêu dùng có cải thiện nhẹ nhưng vẫn ở trạng thái thận trọng, qua đó các hộ gia đình tiếp tục cẩn trọng trong quản lý chi tiêu, cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí ở bên ngoài.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng việc thực hiện gắt gao Nghị định 100 về Nồng độ cồn cũng góp phần gây áp lực lên người tiêu dùng.
Để xoay xở kinh doanh khi Nghị định 100 có hiệu lực, Heineken đã cho ra đời sản phẩm bia không cồn Heineken 0.0. Mới đây, thương hiệu này cũng liều mình marketing sản phẩm ngay tại một trạm dừng nghỉ trên cao tốc, trong bối cảnh các cơ quan chức năng đẩy mạnh xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Phía Sabeco thì cho biết vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng Việt Nam sang các sản phẩm không cồn.
Theo Báo cáo của MBS, thông qua thương hiệu Saigon Chill, Sabeco trở thành nhà tài trợ vàng cho chương trình Rap Việt All-Star 2021, một chương trình ca nhạc thu hút sự chú ý của đông đảo những người trẻ tuổi. Sabeco cũng là nhà tài trợ độc quyền của đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam trong các hoạt động thi đấu trong nước và quốc tế từ tháng 06/2021 tới tháng 06/2022.
Thương hiệu bia Saigon của công ty cũng là nhà tài trợ kim cương tại Sea Games 31. Sabeco đã ký kết hợp tác chiến lược 3 năm với Tổng cục Du lịch Việt Nam để tổ chức các hoạt động quảng bá giá trị văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam vào tháng 12/2021.
Báo cáo mới đây của CTCK VietCap ghi nhận, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 2/2024, Sabeco dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade). Công ty đang tăng cường bán hàng trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Tiki.
Nhìn vào năm 2024, Sabeco lạc quan một cách thận trọng về sự phục hồi của sản lượng bán bia tại Việt Nam.
Nguồn tin: https://cafef.vn/diem-mat-tu-hoang-thong-tri-thi-truong-bia-viet-nam-heineken-sabeco-carlsberg-kiem-ty-usd-nho-van-hoa-nhau-cua-nguoi-viet-the-nao-188240219153946337.chn