Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình vẫn còn dư thừa thực phẩm, việc thời tiết nồm ẩm kèm theo bảo quản không đúng cách có thể là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Việc chế biến nấu đi nấu lại nhiều lần các đồ ăn, nhất là đồ ăn chế biến sẵn như giò chả, đồ ăn nhiều gia vị, đồ ăn hết hạn sử dụng cũng là nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm. Khi các loại thực phẩm bánh chưng, mứt, bánh kẹo… có thể xuất hiện nấm mốc, chảy nước, màu sắc biến đổi hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nên bỏ.
Theo bác sĩ Tiến, ước tính gần 40% loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, mức độ khác nhau nên gây bệnh khác nhau. Loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… Độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận… Do đó, thực phẩm bị nấm mốc thì không nên ăn.
“Cảnh giác với bánh chưng mốc. Bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài có thể cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn”, bác sĩ Tiến nói.
Thời điểm hiện tại là mùa lễ hội Xuân 2024, phần lớn người dân đi du xuân thường sử dụng thức ăn đường phố và các loại nước giải khát, nước hoa quả được bày bán sẵn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết.
Thực khách du xuân thường quan tâm đến sự tiện lợi, hợp khẩu vị, không quan tâm nhiều lắm tới vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không ít hàng quán bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, trong khi việc giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng trong dịp sau Tết rất khó khăn, vì các hàng quán này chỉ kinh doanh vào một vài thời điểm trong ngày, thậm chí có hàng quán chỉ bán trong dịp sau Tết rồi lại nghỉ, có người nay bán chỗ này, mai lại chuyển bán chỗ khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịp Tết vừa qua không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc chữa bệnh phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân những ngày đầu năm mới và nguy cơ bùng phát dịch bệnh xảy ra mùa Đông – Xuân, Bộ Y tế thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024.