Sĩ tử triều Nguyễn mang tài liệu vào phòng thi bị gông một tháng, sau đó chịu 100 roi.
Tại triển lãm trực tuyến Văn chương muôn màu do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thực hiện sáng 15/2, một số vụ án văn chương trong và ngoài khoa cử thời Nguyễn được đề cập ở phần hai – Hiểm địa của ngôn từ. Cũng như nhiều triều đại phong kiến, nhà Nguyễn xử lý nghiêm với mọi trường hợp vi phạm quy chế thi cử, hình phạt có thể từ đánh trượng, đóng gông đến xử tử.
Theo sách Đại Nam Hội điển sự lệ, triều Nguyễn quy định sĩ tử không được mang tài liệu, nếu phát hiện sẽ bị gông một tháng, sau đó chịu 100 roi. Châu bản triều Nguyễn viết năm Thành Thái thứ sáu (1894), Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh đệ trình bản án xét xử Lê Lập Thành mang sách vào trường thi, bị viên binh trấn giữ kiểm tra bắt được. Sau khi quan tỉnh tra xét, Lê Lập Thành nhận tội, xin theo lệ đóng gông một tháng, đánh 100 gậy, vĩnh viễn không được thi.
Ngoài ra thí sinh không nói chuyện ồn ào, phải đóng dấu “nhật trung” (dấu giáp lai các trang, xác định bài được làm tại trường thi), ngồi đúng chỗ quy định. Sĩ tử cũng không được tự ý vứt bỏ hay sửa chữa bảng tên, cấm kê khai gian lận tên tuổi, không nộp bài muộn.
Trong Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập bảy, vào năm Tự Đức thứ chín (1856), quan khâm sai trường thi Hội Phan Thanh Giản phát hiện hai quyển thi có lời lẽ, ý tứ hơi giống nhau, xin đem dán niêm phong để trình vua. Nhà vua lệnh cho bộ Lễ bắt hai thí sinh là Trần Gia Huệ, Phan Khắc Kiệm – đều là cử nhân học ở nhà Giám – đến tra hỏi. Cuối cùng, họ bị phạt 50 roi, đình lương một năm.
Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập sáu cho biết năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Phạm Duy Hàn mạo nhận quê ở Bình Thuận để thi tại Gia Định. Khi bị phát giác, sĩ tử bị đuổi về nguyên quán Nam Định, suốt đời không được đi thi.
Quá trình làm bài, thí sinh cần tránh chữ húy, gồm tên của tất cả đời vua, hoàng hậu, tính cả tổ tiên, tên cung, miếu, lăng, điện, làng quê của vua. Bên cạnh đó, người dự thi không nên dùng những từ thô tục, thiếu tôn kính để tránh lỗi khiếm đài. Sĩ tử phải viết loại chữ chân phương, không được thiếu một nét, một chữ trong bài. Khi hoàn thành, cuối quyển dự thi phải ghi rõ số chữ đã xóa, sửa hay bỏ sót.
Ngoài thí sinh, quan trông coi thi cử cũng bị xét xử đúng luật nếu vi phạm quy định. Châu bản triều Nguyễn ghi năm Tự Đức thứ 29 (1876), tại trường thi Hương Nghệ An, quan phúc khảo Nguyễn Huy Hoán mang theo hộp mực đen. Thời xưa quy định chỉ có sĩ tử được làm việc này, vì vậy Nguyễn Huy Hoán bị phạt đánh 100 trượng, cách chức hàm về làm dân.
Vào khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), Nguyễn Hựu Nghi, Hoàng Quýnh được làm Đề điệu trường thi Nghệ An. Tại đây đốc học và một số quan lại địa phương xét đỗ cho các thí sinh thân quen, vốn đã thi trượt. Dù biết sự việc, hai ông không báo lại với triều đình. Cuối cùng, Nguyễn Hựu Nghi bị giáng xuống Chánh bát phẩm thư lại, Hoàng Quýnh bị cách chức, đày đi Quảng Bình lập công chuộc tội.
Theo Đại Nam liệt truyện, Ngô Vị (1774-1821) có tài và nổi tiếng học giỏi, dù không đỗ đạt gì. Năm 1819, ông được cử vào Đề điệu trường thi Gia Định nhưng vi phạm khi để lọt thí sinh không đủ tiêu chuẩn và xảy ra việc làm bài thuê.
Bộ sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục chép về kỳ thi đó: Tại trường Gia Định, mới thi kỳ đệ nhất, học trò cho là đầu bài khó đã làm náo động trường thi đòi ra. Quan trường là Ngô Vỵ và Trần Vân Đại ra đầu bài khác, sĩ tử mới yên. Đến lúc thi xong, có học trò kiện với quan thành Gia Định nói trong hạng thí sinh trúng tam trường có người giấu tang đi thi (quy định thời đó học trò có tang không được dự thi), có người lại thuê người khác làm bài.
Ngoài ra, Ban giám khảo trường thi là Ngô Vỵ và Trần Vân Đại tự ý chia quyển thi để chấm riêng, rồi tụ tập đánh bạc với các viên sung biện trường vụ là Ký lục Lê Chấn, Đốc học Cao Huy Diệu, Phúc khảo Vũ Hành.
Tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết triều Nguyễn khá quan tâm đến việc đào tạo hệ thống quan lại phục vụ bộ máy cai trị, điều hành. Ngoài trường dành cho đối tượng con vua, hoàng thần, quan lại, ở thành thị và nông thôn đều có lớp học của các thầy đồ. Suốt 143 năm tồn tại, triều Nguyễn tổ chức 39 khoa thi hội, lấy đỗ 293 tiến sĩ, chỉ có duy nhất một người thuộc dòng họ nhà vua đỗ đại khoa là ông Tôn Thất Lĩnh, đạt tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1889) ở triều Thành Thái.
Trong số các vua triều Nguyễn, Minh Mạng (1791-1841) là vị vua coi trọng học vấn, chăm lo chuyện học hành, khoa cử. Năm 1821, ông cho xây dựng nhà Quốc tử giám, ở giữa làm giảng đường, phía trước là Di luân đường, hai bên tả hữu làm phòng ở cho tôn sinh, giám sinh. Tính riêng khoa thi tiến sĩ, triều Minh Mạng đã tổ chức sáu khoa, lấy đỗ 56 tiến sĩ và 20 phó bảng.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-vu-an-van-chuong-khoa-cu-o-trieu-nguyen-4712135.html