Quảng NgãiHai bộ xương cá voi dài 22 m và 28 m được người dân Lý Sơn gìn giữ, thờ phụng hơn 200 năm qua, phục dựng để du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Đảo Lý Sơn rộng hơn 10 km2, là nơi có nhiều lăng thờ cá Ông với khoảng gần 100 bộ xương. Trong số này, lăng Tân là nơi thờ bộ xương cá dài nhất nước (28 m), được xem là “ông Cả”, phong tước Đồng Đình Đại Vương. Bộ xương dài 22 m là “ông Em”, được phong tước Đức Ngư Nhị vị Tôn thần.
Ông Đặng Kim Đồng, hướng dẫn viên chính của Trung tâm Truyền thông Văn hóa Thể thao Lý Sơn, cho biết theo sử sách trên đảo, hai cá Ông lụy bờ vào đầu thế kỷ 19. Sau khi hai ông mất, ở đảo diễn ra lễ an táng rất lớn với sự có mặt đông đảo dân vạn chài.
Người dân không chôn lấp mộ mà để xác cá lộ thiên. Nhiều năm sau đó, họ dùng gầu hứng mỡ cá dần tan rã, cho vào các lu nước để lưu trữ. Khoảng 15 năm sau, thân cá còn lại xương. Khi đã rước bộ xương cốt vào lăng thờ phụng, người Lý Sơn dùng chính mỡ cá Ông bôi lên bộ xương để bảo quản.
Lăng Tân được xây dựng năm 1840 để rước hai bộ xương cá Ông vào. Hàng trăm năm qua, cứ đến dịp người dân Lý Sơn làm giỗ cho hai ông với lòng tôn kính.
Theo các nhà nghiên cứu, tục thờ cá voi (cá Ông) xuất phát từ người Chăm, sau đến người Việt và người Hoa. Tới thời nhà Nguyễn, dân gian lưu truyền vua Gia Long đã sắc phong cá Ông là thần Nam Hải, khuyến dụ người dân thờ phụng, nhằm ghi nhớ cá từng cứu giúp mình.
Tín ngưỡng thờ cá Ông được các đời vua triều Nguyễn tiếp nối. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại, đời Minh Mạng cá voi được gọi là “nhân ngư”, đời Tự Đức đổi tên thành “đức ngư”. Các vua còn ban lệnh làng nào có cá Ông vào bờ phải báo cáo cấp trên để được “hưởng tiền tuất, hương đèn, vải đỏ, tổ chức khâm liệm và cấp đất xây lăng thờ”.
Nối tiếp giá trị văn hóa, lịch sử nói trên, vừa qua chính quyền huyện Lý Sơn đã đầu tư 14 tỷ đồng để phục dựng hai bộ xương cá voi. Theo Trung tâm Truyền thông Văn hóa Thể thao Lý Sơn (đơn vị phụ trách nhà trưng bày), hai bộ xương đã hư hỏng khá nhiều do độ ẩm và nhiệt độ ở đảo. Đơn vị thi công làm khung đỡ, nhựa hóa một số phần xương mục và phục dựng toàn bộ phần đầu cá bằng nhựa composite.
Bản phục dựng hai cá Ông đều có 50 đốt xương sống, đường kính đốt sống trên 40 cm; 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10 m; xương đầu dài 4 m, xương ngà dài 4,7 m. Hai năm qua nhà trưng bày các bộ xương là địa chỉ không thể bỏ qua với du khách khi đến đảo tiền tiêu của đất nước.
Ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn, nói nhà trưng bày xương cá voi là nơi gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tâm linh, phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch. Cơ quan chức năng đang đề xuất làm tranh sơn mài để thuyết minh nguồn gốc của bộ xương.
Phạm Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hai-bo-xuong-ca-voi-lon-nhat-nuoc-qua-ba-the-ky-4711170.html