“Casablanca”, “Titanic” và “A Star Is Born” là phim thể loại tình cảm, lãng mạn được đánh giá hay nhất mọi thời.
Theo Variety, tình cảm lãng mạn là thể loại gần gũi, luôn chạm đến trái tim khán giả. Hầu hết tác phẩm điện ảnh trên thế giới đều nhắc đến yếu tố tình yêu, trong cả phim kinh dị, hài kịch lẫn khoa học viễn tưởng. Dịp Lễ Tình nhân Valentine, trang này điểm qua những bộ phim hay nhất mọi thời về tình yêu đôi lứa, được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung và tư tưởng nghệ thuật.
1. Casablanca (1942)
Tác phẩm do Michael Curtiz đạo diễn, dựa trên một vở kịch chưa bao giờ được công diễn có tên Everybody Comes to Rick’s của Murray Burnett và Joan Alison. Sau đó, kịch bản lần lượt do anh em Julius và Philip Epstein, Howard Koch và Casey Robinson chấp bút.
Phim được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ sự kết hợp giữa ba thể loại – ly kỳ, tình cảm và hài hước. Trang Variety nhận xét: “Tình yêu trong Casablanca không chỉ là sự say mê mà còn cho thấy tấm lòng hy sinh, tận tâm với người yêu, cống hiến bản thân cho một điều gì đó lớn lao. Diễn xuất của Humphrey Bogart và Ingrid Bergman cho thấy tình cảm là sức mạnh giúp kết nối con người và cứu rỗi thế giới”.
2. Titanic (1997)
Nhiều chuyên trang điện ảnh đánh giá Titanic – do James Cameron đạo diễn – là phim lãng mạn xúc động nhất thời điểm mới ra mắt. Theo Film, tác phẩm gây ấn tượng bởi cách kể chuyện, cho thấy sự đối lập tầng lớp giữa Jack (Leonardo DiCaprio) và Rose (Kate Winslet). Họ đến từ hai thế giới khác biệt, phải lòng nhau trong thời gian ngắn.
Hai diễn viên kết hợp ăn ý trong những phân cảnh tình cảm. Điển hình cảnh nhân vật bí mật hẹn hò trước mũi tàu, rượt đuổi trêu đùa nhau, hoặc cảnh Jack vẽ Rose khỏa thân đều lãng mạn, nên thơ. Tác phẩm cùng bản tình ca My Heart Will Go On trong phim vẫn luôn có vị trí trong lòng nhiều người yêu điện ảnh, với 2,1 tỷ USD doanh thu và 11 giải Oscar. “Trong Titanic, chính thảm họa đắm tàu đã giúp tình yêu trở nên vĩnh cửu, vượt thời gian”, Variety viết.
3. To Catch a Thief (1955)
Tác phẩm do Alfred Hitchcock đạo diễn, kể về tên trộm đã giải nghệ John Robie (Cary Grant) phải tìm mọi cách chứng minh bản thân trong sạch sau một vụ trộm không liên quan đến mình. Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn tù và một thám tử, John lên kế hoạch tìm ra kẻ trộm thật sự.
Hollywood Reporter đánh giá sức hút tác phẩm đến từ diễn viên Cary Grant và Grace Kelly. “Grant đã có hai thập niên hoạt động nghệ thuật, đóng cùng các minh tinh xuất sắc Hollywood, từ Katharine Hepburn đến Ingrid Bergman. Nhưng khi kết hợp Grace Kelly, Grant tỏa sáng rực rỡ, khiến người xem thích thú trong những cảnh hôn nhau”, trang này viết.
4. Moulin Rouge! (2001)
Phim của đạo diễn Baz Luhrmann được giới chuyên môn khen ngợi là bản tình ca đa màu sắc với nhiều cung bậc cảm xúc tình yêu. Là một nhà văn trẻ từ London tới Paris vào năm 1899, Christian (Ewan McGregor) đem lòng yêu nàng vũ nữ Santine (Nicole Kidman) làm việc tại quán bar Moulin Rouge.
Chuyện tình éo le của hai nhân vật được dẫn dắt với những ca khúc đủ phong cách. Sự trau chuốt về hình ảnh, trang phục giúp lôi cuốn người xem, góp phần mở ra một trào lưu mới cho dòng phim nhạc kịch lẫn tình cảm thế kỷ 21. Tác phẩm thắng hai giải Oscar, đồng thời là bộ phim âm nhạc đầu tiên kể từ Beauty and the Beast (1991) được đề cử Oscar cho Phim hay nhất.
5. A Star Is Born (2018)
Tác phẩm đầu tay của Bradley Cooper mô tả câu chuyện tình yêu đầy thăng trầm ở Hollywood. Trong đó, tình cảm đôi lứa lẫn tình yêu âm nhạc là nguyên nhân khiến Jackson Main (Bradley Cooper) và Ally (Lady Gaga) làm tổn thương nhau. Âm nhạc và tình yêu kéo hai con người xa lạ đến gần nhau trong một đêm lang thang trên đường phố, khiến họ rong ruổi qua những nẻo đường gió bụi ở Arizona (Mỹ). Từ bản nhạc vu vơ trước cửa siêu thị, họ tìm thấy sự đồng điệu để rồi đắm say với những bản tình ca trước hàng nghìn khán giả.
Diễn xuất của Bradley Cooper trong vai Jackson Maine được giới chuyên môn đánh giá cao khi lột tả các khía cạnh nội tâm nhân vật. Điển hình trong cảnh Jackson mời Ally lên sân khấu hát Shallow, tài tử thể hiện sự rung động qua ánh mắt và nụ cười.
6. Brief Encounter (1945)
Phim do David Lean đạo diễn, kể về đôi tình nhân tình cờ gặp nhau trên sân ga. Tình cảm giữa Laura Jesson (Celia Johnson) và Alec Harvey (Trevor Howard) nảy nở nhưng mắc phải rào cản của gia đình, bạn bè và vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Dù Laura đã kết hôn, cô vẫn không thể cưỡng lại tình yêu với Alec. Hai nhân vật đều tuyệt vọng khi nhận ra chuyện họ bên nhau không thể mang lại kết thúc có hậu. Trang ScreenRant cho rằng tính chân thực là yếu tố khiến phim tồn tại nhiều năm trong lòng khán giả.
7. Ghost (1990)
Tác phẩm của đạo diễn Jerry Zucker lấy màu sắc trinh thám để kể câu chuyện tình yêu. Zucker khéo léo lồng ghép hai yếu tố này trong bộ phim, cho thấy quá trình Sam, trong hiện thân của một linh hồn đi tìm câu trả lời cho tình yêu và sự thật đằng sau cái chết bí ẩn của mình.
Nhiều khán giả từng xem phim xúc động trước trường đoạn “oan hồn” Sam tái ngộ Molly, cùng tình khúc bất hủ Unchained Melody của nhóm The Righterous Brothers. Nhà phê bình Owen Gleiberman của Variety viết: “Diễn xuất của Patrick Swayze và Demi Moore giúp phim trở nên vừa ly kỳ vừa cảm động. Đạo diễn biết cách khai thác tối đa cảm xúc của bộ phim: Gần gũi, cuồng nhiệt lẫn xúc động đến run rẩy”.
8. Brokeback Mountain (2005)
Tác phẩm là một trong những phim Hollywood nổi tiếng lấy đề tài tình yêu đồng giới. Nội dung phim của đạo diễn Lý An kể về hai chàng cao bồi Ennis (Heath Ledger) và Jack (Jake Gyllenhaal). Họ gặp nhau vào mùa hè năm 1963 khi được thuê để chăn cừu, sau đó có quan hệ thể xác để rồi nảy sinh tình cảm.
Mối tình là nỗi bi kịch khi xã hội Mỹ thời bấy giờ vẫn chưa có cái nhìn cởi mở về những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, khiến hai nhân vật sống trong áp lực và ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc đời họ ngay cả khi đã đường ai nấy đi. Cây bút Owen Gleiberman bình luận: “Màn trình diễn của Jake Gyllenhaal và Heath Ledger khó quên. Trong đó, Ledger biến nhân vật Ennis thành biểu tượng cho một tình yêu không thể nói thành lời”. Ở thời điểm mới ra mắt, Brokeback Mountain gây tiếng vang khi chiến thắng ba trong tám đề cử Oscar.
9. The Umbrellas of Cherbourg (1964)
Phim của đạo diễn Jacques Demy xoay quanh hai nhân vật: Geneviève (Catherine Deneuve), 16 tuổi, làm việc trong tiệm bán dù của mẹ, và Guy (Nino Castelnuovo), 20 tuổi, là thợ sửa xe trong một garage. Cả hai đến với nhau bằng tình yêu nồng cháy của tuổi trẻ. Thế nhưng, chiến tranh buộc họ chia xa, khi Guy phải ra chiến trường còn Geneviève ở nhà với cái thai trong bụng. Hoàn cảnh ngăn cản tình yêu của họ, nhưng đồng thời đem đến cho cả hai hạnh phúc mới.
Trang Collider cho rằng số phận bi đát của nhân vật chính giúp tác phẩm đọng nhiều suy ngẫm cho người xem. Rotten Tomatoes viết: “Jacques Demy nâng tầm câu chuyện giản dị thành vở nhạc kịch bay bổng, vui buồn lẫn lộn nhưng không kém phần quyến rũ nhờ màn trình diễn của Catherine Deneuve”. Năm 1966, tác phẩm nhận năm đề cử Oscar, trong đó có Kịch bản gốc xuất sắc và Phim quốc tế hay nhất.
10. Gone with the Wind (1939)
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell, từng giành tám giải Oscar năm 1940. Khác với những câu chuyện tình yêu thường thấy trong điện ảnh, Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) kết thúc dang dở với nhiều câu hỏi còn để ngỏ. Tác phẩm mô tả cuộc đời chìm nổi của Scarlett O’Hara (Vivien Leigh) với hai cuộc tình. Từ đó, nhân vật hiện lên như một người không ngại vươn lên đoạt lấy những thứ mình cần, cho dù có phải hạ bệ người khác.
Theo Variety, một trong những cảnh ấn tượng nhất tác phẩm là trường đoạn Rhett Butler (Clark Gable) bế Scarlett O’Hara lên cầu thang, do thể hiện sự nồng cháy của tình yêu. “Phân đoạn này trở thành một trong những câu chuyện tình yêu phức tạp và lôi cuốn nhất ở thời kỳ hoàng kim Hollywood”, trang này bình luận.
Ngoài 10 phim trên, các tác phẩm nổi bật ở thể loại tình cảm lãng mạn gồm: Bonnie and Clyde (1967), Before Trilogy – Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight (1995, 2004, 2013), In the Mood for Love (2000), Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004), La La Land (2016).
Quế Chi (theo Variety)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-phim-tinh-cam-lang-man-hay-nhat-moi-thoi-4711426.html