Đồ uống có cồn
Trong Báo cáo về chất gây ung thư, Chương trình nghiên cứu Toxicology Quốc gia thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã liệt kê tiêu thụ đồ uống có cồn là chất gây ung thư ở người.
Có rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng một người càng uống nhiều rượu, đặc biệt là người uống càng nhiều rượu nhiều theo thời gian, thì nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu càng cao. Ngay cả những người uống rượu nhẹ (là những người không uống nhiều hơn một ly mỗi ngày) và những người uống rượu say có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Rượu bia là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vùng đầu cổ, đường tiêu hóa, gan, tụy và vú. Điều này có thể liên quan đến các acetaldehyde được tạo ra trong quá trình chuyển hóa cồn, sự thay đổi nồng độ của các hormone như estrogen, insulin… trong cơ thể.
Thực phẩm và đồ uống nhiều đường
Nhu cầu sử dụng nước ngọt và các thức ăn nhiều đường như mứt, trái cây sấy, ô mai, bánh kẹo ngọt ngày Tết tăng cao. Các món ăn này chứa nhiều đường bổ sung, chất tạo ngọt.
Sử dụng thực phẩm nhiều đường trong thời gian dài khiến tuyến tụy tăng sản xuất insulin, kích hoạt yếu tố tăng trưởng IGF-1 (insulin-like growth factor 1). IGF-1 có thể dẫn đến hình thành các tế bào ác tính do kích thích quá trình tăng sinh tế bào và ức chế quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis).
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng thức uống nhiều đường gây thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị phụ nữ không dùng quá 6 thìa cà phê đường bổ sung (25 g hoặc 100 calo) và nam giới không dùng quá 9 thìa cà phê đường (36 g hoặc 150 calo) mỗi ngày.
Trong những ngày Tết, sử dụng các món ăn, thức uống nhiều đường khó tránh khỏi. Mỗi người chú ý hàm lượng đường trong các món ăn, thức uống để tránh dùng lượng đường vượt mức khuyến cáo hằng ngày. Duy trì thói quen uống nước lọc thay cho các loại nước có ga, đồ uống nhiều đường.
Ăn quá nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ mặc dù là một nguồn thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn hàng ngày nhưng nếu tiêu thụ quá mức có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, so với các loại thực phẩm động vật khác như thịt vịt, thịt gà hoặc cá thì tác hại của thịt đỏ cao hơn. Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa hơn, có thể góp phần tăng cholesterol trong máu. Cholesterol cao gây tích tụ trên thành mạch máu, tăng nguy cơ cản trở sự lưu thông máu đến tim và góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch.
Việc ăn nhiều thịt đỏ hay bất kỳ loại thịt nào khác cũng có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Quá trình nấu ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các hợp chất có thể tăng nguy cơ ung thư. Người tiêu thụ nhiều thịt đỏ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 4 lần so với những người tiêu thụ ít thịt đỏ, đặc biệt là ung thư ruột, ung thư đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến. Do đó, việc tránh nấu chín thịt ở nhiệt độ quá cao, không ăn quá nhiều thịt nướng và lựa chọn thực phẩm chế biến thịt một cách cẩn thận là quan trọng để giảm thiểu tác hại của thịt đỏ.