Theo thông tin từ Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, tính riêng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024 (từ ngày 8.2.2024 đến ngày 14.2.2024, cơ quan chức năng đã xử lý 71.382 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó vi phạm nồng độ cồn 29.099 trường hợp.
Trong 7 ngày nghỉ lễ, cơ quan chức năng đã tạm giữ 35.684 phương tiện (trong đó, 1.463 xe ôtô, 34.082 xe máy, 140 phương tiện khác).
Trước đó, vấn đề bãi giữ xe vi phạm vốn đã quá tải. Tại Hà Nội, trong năm 2023, các đơn vị đã tạm giữ 42.731 phương tiện xe vi phạm giao thông.
Trao đổi với Lao Động về việc xử lý phương tiện bị tạm giữ, luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng văn phòng luật sư Tinh hoa Việt cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ.
Theo đó, xe vi phạm giao thông quá hạn không đến lấy, có thể bị tịch thu sung công quỹ.
Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sẽ được xác lập quyền sở hữu toàn dân và được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Đối chiếu Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ngoài thanh lý bán tài sản còn có biện pháp tiêu hủy tài sản công tại cơ quan nhà nước.
Theo đó, tài sản công bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.
Về hình thức tiêu hủy tài sản công bao gồm:
Sử dụng hóa chất;
Sử dụng biện pháp cơ học;
Hủy đốt, hủy chôn;
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan nhà nước có tài sản hoặc cơ quan, đơn vị khác thuộc phạm vi quản lý có chức năng tiêu hủy thực hiện việc tiêu hủy tài sản công theo các hình thức quy định.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/truong-hop-xe-vi-pham-nong-do-con-bi-tieu-huy-1304913.ldo