Thách thức với thế hệ trẻ muốn đi tiên phong
Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang được ứng dụng. Sự phát triển của AI đem lại nhiều triển vọng cho ngành y tế trong tương lai. Bên cạnh việc hỗ trợ chăm sóc, chẩn đoán bệnh, AI cũng góp phần thúc đẩy những đột phá y học.
Nắm bắt được những tiến bộ này, PGS Đào Việt Hằng cùng các đồng nghiệp đã đi tiên phong trong việc ứng dụng AI vào nội soi tiêu hóa giúp giảm tỉ lệ bỏ sót khi nội soi, từ đó, tăng khả năng chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng) và giảm tỉ lệ tử vong do nhóm ung thư này.
Lý giải vì sao nghiên cứu ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa, nhà khoa học trẻ chia sẻ: Hiện nay bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, trong khi đó, khả năng đáp ứng của chúng ta còn hạn chế. Tại những trung tâm nội soi lớn, mỗi ngày thực hiện 400-500 ca nội soi, có thể dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi.
Vì vậy, ứng dụng AI trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra trong y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động và tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay.
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng tâm sự: Ứng dụng chuyển đổi số trong y tế là xu hướng mới đang thu hút rất nhiều sự quan tâm trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong thời gian học tập tại Nhật Bản, tôi có hỏi người thầy trực tiếp hướng dẫn mình: “Liệu một nước đang phát triển, kinh tế còn khó khăn, có nguồn lực bị hạn chế như Việt Nam thì ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả thi không?”. Câu trả lời tôi nhận được từ thầy là: “Chính những nơi có nguồn lực hạn chế mới nên phát triển dự án AI. Vì ở một cơ sở y tế có máy móc hiện đại, có bác sĩ nội soi có kinh nghiệm thì khả năng bỏ sót tổn thương thấp. Nhưng ở nơi máy móc còn hạn chế, kinh nghiệm bác sĩ còn hạn chế, việc có thêm công cụ hỗ trợ sẽ rất cần thiết để giảm thiểu bỏ sót tổn thương”.
Câu trả lời này đã giúp tôi hiểu được bài toán ứng dụng AI nếu nhìn một cách tổng thể sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn so với suy nghĩ ban đầu của mình là phải đầu tư nguồn lực lớn. Đối với lĩnh vực tôi đang làm chuyên sâu là nội soi tiêu hóa, các nhóm nghiên cứu trên thế giới cũng như một số công ty nội soi lớn đã nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm ứng dụng AI nhằm nâng cao khả năng phát hiện tổn thương.
Năm 2019, bác sĩ Đào Việt Hằng cùng các cộng sự triển khai một nghiên cứu đánh giá mức độ đón nhận của bác sĩ Việt Nam đối với AI trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa. Bác sĩ cũng đã và đang chủ trì 2 đề tài được tài trợ bởi Quỹ VinIF và Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng các thuật toán AI trong phát hiện polyp đại tràng và một số tổn thương đường tiêu hóa trên trong đó có ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
Trong quá trình tiến hành đề tài, khó khăn nhất chính là thu thập dữ liệu vừa cần đảm bảo tính đa dạng (đa dạng về hình thái tổn thương, về các chế độ ánh sáng, về các hệ thống máy nội soi…) vừa cần đảm bảo đạt độ chuẩn nhất định để thuật toán xây dựng được chính xác. Sau đó bộ dữ liệu ảnh cần được gắn nhãn, khoanh vùng bởi các chuyên gia nội soi. Đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt khi các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn phải trao đổi, làm việc với nhau để có sự thống nhất khi chuẩn hóa bộ dữ liệu. Nhưng theo bác sĩ Hằng, đối với một nhà khoa học, cái gì càng khó thì càng hấp dẫn, như những con đường còn ít dấu chân người luôn có sức hút diệu kỳ.
Ứng dụng công nghệ của người Việt, cầu nối ra thế giới
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng là người tiên phong trong hướng đi này, góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các nước ứng dụng AI trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa. Trên hành trình nghiên cứu và triển khai dự án, rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với những người tiên phong mở đường như PGS.TS.BS Đào Việt Hằng.
Liệu AI có thay thế các bác sĩ trong điều trị bệnh tiêu hóa không? Đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm bao gồm cả chính các bác sĩ nội soi và người bệnh. Câu trả lời cho tới nay cũng được các chuyên gia trên thế giới thống nhất cao, đó là: AI không thể thay thế các bác sĩ. AI chỉ là công cụ hỗ trợ để đưa ra các ý kiến mang tính tổng hợp, tham khảo, nhờ đó giúp các bác sĩ có thêm sự trợ giúp để đưa ra quyết định nhanh hơn.
Nhà khoa học trẻ còn mong muốn, khi ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa, hầu hết các bác sĩ tại Việt Nam đều được trải nghiệm tính năng phát hiện tổn thương. Tiếp theo đó là phân loại tổn thương có nguy cơ ung thư và đánh giá chất lượng cuộc nội soi. Bên cạnh đó các bác sĩ rất kỳ vọng sẽ có các sản phẩm tích hợp AI được sử dụng ngay trong quá trình nội soi vì sẽ giúp giảm tỉ lệ bỏ sót tổn thương và tiết kiệm thời gian cho người bệnh nếu có nghi ngờ. Với các bộ dữ liệu ảnh lớn, các thuật toán đã được huấn luyện tối ưu, trong tương lai, các nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng có thể sử dụng AI như một công cụ đắc lực giúp đào tạo cả về kiến thức và kỹ năng cho các bác sĩ nội soi.
Dù đã đạt được nhiều thành công, nhưng nói về những thành tựu, PGS.TS.BS Đào Việt Hằng khiêm tốn: “Tôi luôn nghĩ niềm đam mê với nghiên cứu, tình cảm gắn bó với người bệnh của mình chính là được khơi nguồn từ môi trường làm việc hằng ngày và tấm gương từ những người thầy, người đồng nghiệp, người học trò của mình. Những kết quả ban đầu cho đến ngày hôm nay không phải là thành quả của một mình cá nhân tôi mà là công sức của cả một tập thể, các thầy các cô, các anh chị em đồng nghiệp và trên hết là sự tin tưởng của người bệnh”.
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, sinh năm 1987, giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp – Trường Đại học Y Hà Nội; Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam; đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2020, Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, Quả cầu vàng năm 2021, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021.