Nhằm đưa hai bờ sông Hàn thành trung tâm đô thị, cửa ngõ du lịch ven sông, Đà Nẵng đã quy hoạch nơi này thành không gian xanh, chiếu sáng nghệ thuật các công trình.
Sông Hàn hơn 20 năm trước nhếch nhác bởi hàng loạt nhà chồ, đôi bờ cách trở, người dân phải đi phà 400-600 m sang sông. Năm 1997 khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Đà Nẵng và nhân dân đã góp tiền xây cầu quay, bố trí đất tái định cư, xây chung cư cho hàng nghìn hộ dân vạn đò, nhà chồ.
Cuộc chỉnh trang đô thị đã giúp sông Hàn lột xác, được ví như dải lụa vắt ngang trung tâm thành phố. Nhằm xứng tầm là đô thị hiện đại, cuối năm 2023 UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông, tỷ lệ 1/2.000, mục tiêu “thay áo” cho dòng sông, tạo điểm nhấn đô thị hai bên bờ.
Với phạm vi quy hoạch khoảng 6.675 ha gồm các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ, phân khu ven sông Hàn và bờ đông sẽ là trung tâm đô thị, trung tâm hành chính – chính trị; cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển; trung tâm hội nghị quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính, giáo dục và đào tạo chất lượng cao miền Trung và trung tâm văn hóa – thể thao, y tế.
Thành phố sẽ tổ chức không gian mở, kết hợp giữa mặt nước, hành lang xanh dọc sông và các công viên lớn. Các công trình công cộng, dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Tại không gian ven bờ đông sông Hàn, thành phố quy hoạch các công viên, quảng trường kết nối bằng tuyến cây xanh, lối đi bộ.
Khu vực thành Điện Hải, dấu tích thành lũy đầu tiên kháng Pháp năm 1858, và Bảo tàng Đà Nẵng đã được phê duyệt quy hoạch làm quảng trường trung tâm. Khu vực lõi này sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử của người dân và du khách.
Các điểm nhấn của không gian đô thị sẽ bao gồm khu bảo tàng sống ở quận Hải Châu nhằm giới thiệu về lịch sử, lối sống đô thị của Đà Nẵng; khu trung tâm thương mại ở quận Sơn Trà với định hướng hình thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Ngoài ra, còn có không gian thương mại du lịch là khu phố hiện hữu với chợ Cồn, chợ Hàn, khu dịch vụ du lịch tại bờ đông…
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết thành phố phê duyệt phân khu lần này để có cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết, tháo gỡ cho nhà đầu tư các dự án ven sông Hàn và bờ đông đang chậm triển khai vì vướng pháp lý. “Phân khu sông Hàn và bờ đông quan trọng nhất trong 9 phân khu quy hoạch của Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Phong nói.
Thành phố cũng đang nghiên cứu dự án Dòng sông ánh sáng với mục đích nghệ thuật, kết nối 5 cây cầu bắc qua sông, kinh phí gần 400 tỷ đồng. Theo ông Phong, các công trình cao tầng ven sông Hàn sẽ được chiếu sáng nghệ thuật, hài hòa với tổng thể. Trong tương lai, những công trình cao tầng mọc lên dọc bờ sông phải đầu tư thêm hạng mục chiếu sáng nghệ thuật. “Đây là cách để tạo dải lụa bên bờ sông Hàn”, ông Phong giải thích.
Trong quy hoạch sông Hàn lần này, thành phố chủ trương nâng cấp hệ thống cây xanh, cảnh quan của tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo để phục vụ du lịch. Hiện đất cây xanh công cộng (tính cả công viên, vườn hoa) của Đà Nẵng mới đạt 2,64 m2/người, trong quy định về phân loại đô thị thì đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị của đô thị loại I như Đà Nẵng phải đạt 5 m2/người mới được tính 1,5 điểm; 6 m2/người được tính 2 điểm.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý khi thực hiện quy hoạch phân khu sông Hàn, thành phố nên dành diện tích lớn đảm bảo cho không gian xanh, bởi đây là yếu tố mà Đà Nẵng rất thiếu. Khi đó ven dòng sông sẽ bao gồm không gian xanh hai bên, quảng trường xanh. Những cồn nổi cũng nên được giữ lại, tạo không gian sống cho các loài chim vốn đang ngày càng di cư đông đúc về sông Hàn.
Kiến trúc sư Sơn cũng cho rằng Đà Nẵng nên có định hướng để hai bên sông sẽ là không gian xanh cho người đi bộ, đi xe đạp và đi xe công cộng. “Tức là có xe công cộng bờ đông, bờ tây và kết nối với nhau. Người dân, du khách đi vào khu trung tâm không cần xe cá nhân nữa mà đi xe công cộng. Như vậy, không gian ven sông Hàn sẽ sinh động hơn”, ông nói.
Ông Sơn cũng đề xuất Đà Nẵng nên làm hệ thống taxi đường thủy, chạy giống như xe buýt từ bến này sang bến kia và di chuyển liên tục để người dân, du khách có thể đi chơi trên sông, ngắm cảnh hai bờ. Nếu làm được điều này, sinh hoạt trên sông Hàn sẽ hấp dẫn, giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực trung tâm.
Một lưu ý khác theo ông Sơn là quy hoạch “không nên phân ra lô này lô kia”. Thành phố đã cấp phép cho nhiều dự án lấn sông nên nếu lỡ lấn rồi thì không nên làm nhà, thay vào đó phải làm không gian xanh, các công trình công cộng, văn hóa như bảo tàng, nhà hát, thư viện để trục hai bên sông Hàn như phòng khách của thành phố, luôn sạch đẹp tiếp đón du khách.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/da-nang-du-kien-khoac-ao-moi-cho-song-han-4706714.html