Những ngày này, tại các vùng trồng nhót lớn tập trung ở các huyện Phúc Thọ, Hoài Đức… trên địa bàn thành phố Hà Nội, người nông dân lại tất bật vào vụ thu hoạch quả nhót chín để cung ứng ra thị trường.
Theo đa phần người dân cho biết, cây nhót phát triển trên nhiều loại đất như đất phù sa ven sông, đất đồi… Cây trồng 3 năm là cho quả, chất lượng quả lớn nhỏ, chua ngọt phụ thuộc nhiều vào thời tiết và cách chăm sóc của người dân. Cây đủ nước đủ phân, sạch sâu bệnh thì quả sẽ to ngọt hơn. Tuy nhiên, giống quả này khi chín gặp mưa sẽ dễ bị hư hỏng.
Có khoảng 7.200m2 diện tích trồng nhót, ông Nguyễn Bá Mạnh (54 tuổi, Tiền Yên, Hoài Đức) cho hay, thời gian nhót chín kéo dài khoảng 30 – 45 ngày. Khi vào vụ, trái sẽ chín nhanh nên người dân cần phải thu hoạch hàng ngày.
“Khi hái nhót, phải hái đều tay, chọn quả đỏ chín đỏ mới đảm bảo chất lượng hàng xuất cho thương lái. Để tránh dập, nát khi vận chuyển, nhót chín sẽ được đặt vào hộp xốp và xếp gọn gàng với trọng lượng 10kg/thùng”, anh Mạnh chia sẻ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (42 tuổi, xã Tiền Yên) cũng đang tất bật thu hoạch nhót. “Thời điểm thuận lợi để hái phải sau 7h khi sương tan hết, nắng lên nhót mới căng mọng, ngọt. Vào chính vụ để hái kịp số lượng giao cho lái buôn, gia đình có ngày quên cả ăn trưa”, bà Hiền kể.
Được biết, giá nhót năm nay dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Các hộ dân tại đây cho biết, cây nhót mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc. Nếu được mùa, người nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng từ loại trái này.
Nhót không chỉ là một loại quả dùng để ăn mà còn dùng để nấu canh chua cũng rất ngon. Đặc biệt loại quả này còn được các chuyên gia đánh giá là mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.