Một trong những nội dung quan trọng sẽ được FPT trình xin ý kiến ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 6/4 tới đây là Định hướng chiến lược giai đoạn 2023 – 2025 và Kế hoạch kinh doanh 2023. Theo báo cáo thường niên 2022 vừa công bố, trong giai đoạn 2023 – 2025, năm 2023, năm thứ 35 trong quá trình phát triển, FPT đặt mục tiêu cao hơn: Kiến tạo hạnh phúc cùng với Chiến lược DC5 -135. Và theo như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình trong thông điệp gửi Cổ đông, Chiến lược mới này sẽ mở ra một tương lai không giới hạn cho FPT, mang lại lợi ích cho mỗi người và tất cả mọi người, mang lại thành công cho mỗi tổ chức và mọi tổ chức.
Song song với việc đưa ra chiến lược mới, năm 2023, FPT cũng đặt mục tiêu thách thức với tăng trưởng doanh thu và LNTT lần lượt là 18,8% và 18,2%, tương đương 52.289 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng. Trong đó, Khối Công nghệ, tiếp tục đóng vai trò đầu tầu tăng trưởng với doanh thu dự kiến đạt 31.150 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ, LNTT đạt 4.166 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm, nền tảng, giải pháp mới dựa trên các công nghệ lõi như Cloud, AI, Blockchain… đồng thời, tập trung mở rộng kênh bán hàng tới các đối tượng trong đa lĩnh vực ở trong và ngoài nước.
Mục tiêu thách thức trên được FPT đặt ra dựa trên bối cảnh hoạt động kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2022 tăng trưởng ổn định và thị trường CNTT thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng có nhiều cửa sáng trong giai đoạn tới.
Dự báo của Gartner đã cho thấy, triển vọng cho lĩnh vực công nghệ thông tin 2023 vượt trội so với 2022, mức tăng chi tiêu cho IT của thế giới có thể cán mốc 4.600 tỷ đô, tương ứng tăng 5,1%. Chuyển đổi số cũng sẽ tiếp tục trở thành dòng chảy chính của toàn cầu, với mức chi tiêu ước tính 3.400 tỷ đô đến 2026, trong đó ⅓ ứng dụng cho các công nghệ tự động hóa, robot sản xuất. Tại Việt Nam, công cuộc chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới, bởi 2023 là năm của dữ liệu số, đồng thời là giai đoạn nước rút hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025.
Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn đạt lần lượt 44.010 tỷ đồng và 7.662 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 20,9% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra trước đó là tăng doanh thu 19,0% và tăng LNTT 20,2%.
Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài và doanh thu chuyển đổi số – hai mảng kinh doanh trọng điểm của FPT, tăng lần lượt 30,1% và 33%, đạt 18.915 tỷ đồng và 7.349 tỷ đồng. Doanh thu đến từ sản phẩm, giải pháp Made by FPT dựa trên các công nghệ dẫn đầu xu hướng như AI, Cloud, Big Data… cũng tăng trưởng đầy ấn tượng 54,3%. Doanh thu tăng trưởng cho thấy tính ứng dụng, độ tin cậy và linh hoạt cao của các sản phẩm, dịch vụ Chuyển đổi số của FPT trong mọi lĩnh vực từ Chính phủ điện tử, giao thông, y tế, tài chính ngân hàng….
Cùng với việc tăng trưởng doanh thu ổn định, các chỉ số tài chính chủ yếu của FPT cũng giữ ở mức an toàn. Hệ số thanh toán ngắn hạn tăng từ 1,18 lần năm 2021 lên 1,26 lần trong năm 2022 và hệ số thanh toán nhanh tăng từ 1,13 lần lên 1,18 lần. Với các hệ số đều cải thiện so với cùng, nằm ở mức an toàn trên 1,0 và lượng tiền mặt ròng cao, FPT cho thấy rủi ro về khả năng thanh toán rất thấp. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng 100 điểm cơ bản lên 27,7%, cùng với đó tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROCE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đều tăng nhẹ lên lần lượt 16,4% và 11,9%, cho thấy khả năng sử dụng vốn hiệu quả.
Cổ đồng và độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về các hoạt động của FPT trong năm 2022 và chiến lược giai đoạn 2023 – 2025 tại đây.
Cũng tại Đại hội, FPT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án sử dụng lợi nhuận năm 2022 và chính sách chi trả cổ tức năm 2023, phương án phát hành cổ phần cho người lao động giai đoạn 2023 – 2025 và sửa đổi Điều lệ Công ty, Quy chế quản trị công ty.
Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT 2023 sẽ diễn ra vào ngày 6/4 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Toà nhà FPT, Số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội.