Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương giám sát chặt lễ hội đông người, loại bỏ hoặc thay thế tập tục không phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) ngày 6/2 gửi văn bản đến các địa phương đề nghị không để dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ trục lợi; không để xảy ra các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục tại các lễ hội.
Các lễ hội lớn đông người cần tập trung giám sát chặt là hội phết Hiền Quan và cầu trâu (Phú Thọ); lễ hội đúc Bụt, cướp phết, chọi trâu (Vĩnh Phúc); chùa Hương, đền Sóc (Hà Nội); khai ấn đền Trần (Nam Định); chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng).
Cuối tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chủ tịch các tỉnh thành không để xảy ra mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, cúng oan gia trái chủ tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi phải bị xử lý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ, Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các địa phương kêu gọi người dân không đốt vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định; tuyên truyền để người dân hiểu về nguồn gốc lễ hội, di tích, nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.
“Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và nhà nước”, Thủ tướng lưu ý.
Dịp đầu xuân năm mới, tại miền Bắc diễn ra hàng loạt lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn người tham dự, có nơi xảy ra tranh cướp, bạo lực hoặc mua bán ấn tràn lan. Những năm gần đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này nên các lễ hội miền Bắc đã yên bình hơn.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-van-hoa-yeu-cau-giam-sat-chat-le-hoi-dong-nguoi-4709621.html