Hà NộiThay cho cá chép sống hoặc cá vàng mã, mâm lễ cúng ông Táo của nhiều gia đình xuất hiện cá chép làm từ thạch rau câu, xôi, chè trôi nước, bánh bao hoặc chả.
Ngày cuối tháng 1, chị Đặng Thùy, 39 tuổi ở quận Nam Từ Liêm chuẩn bị một mâm cỗ chay để tiễn ông Táo vè trời. Mâm lễ của gia đình chị năm nay không có ba con cá chép sống như tục lệ mà được thay thế bằng đĩa thạch rau câu tạo hình cá. Tiền vàng mã và ba bộ mũ áo giấy cũng bị lược bỏ.
Chị Thùy cho biết những thay đổi này do chị không muốn sát sinh, chán cảnh vừa thả cá xuống hồ đã có người chờ kích điện hoặc giăng lưới. Đốt vàng mã vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường.
Sáng 2/2 (ngày 23 tháng Chạp), chị Phạm Hòa, 37 tuổi, ở quận Hà Đông dành hai tiếng để chuẩn bị một mâm cỗ cúng gồm gà, nem, giò, cá lăng rang muối, rau xào, hỏi, canh mọc. Riêng cá chép được thay bằng đôi bánh cá, xôi xanh hoa sen và thạch thanh long đỏ hình cá để cúng ông Táo.
Thói quen không cúng và thả cá chép được chị Hòa duy trì 13 năm nay, từ khi lập gia đình. Chị Hòa giải thích nơi sống không gần sông, hồ, nhiều khu vực nước bẩn, không thể phóng sinh nên quyết định cúng xôi tạo hình cá, bánh hoặc thạch tạo hình cá để thuận tiện, mâm cỗ thêm màu sắc. Quyết định này được bố mẹ hai bên ủng hộ, sau đó các cụ cũng làm theo.
“Tôi quan niệm cúng lễ là thành tâm, cố gắng chuẩn bị tươm tất nhất có thể. Riêng một số tục lệ có thể thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh”, chị Hòa nói.
Chị Minh Ngọc ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết vài năm gần đây bắt đầu cúng xôi cá hoặc bánh thạch. “Các sản phẩm phỏng hình cá chép cúng vào 23 tháng Chạp rất đẹp và bắt mắt, sau khi thắp hương xong có thể xin thụ lộc. Đây cũng là món ăn các bạn bé nhà tôi rất yêu thích nên bản thân cũng ưu tiên lựa chọn”, chị Ngọc nói.
Số gia đình tại Thủ đô chọn cúng cá chép làm từ xôi, thạch, bánh trôi hoặc chả như gia đình chị Đặng Thùy, Phạm Hòa hay Minh Ngọc không ít. Khảo sát của VnExpress từ đầu tháng 1 các dịch vụ cung cấp sản phẩm có hình cá chép được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Riêng các chợ truyền thống bày bán mặt hàng này khoảng hai tuần nay.
Bà Trần Phương Nga, nghệ nhân văn hóa ẩm thực làng nghề Việt Nam, cho biết nhu cầu làm cá chép cúng ông Công ông Táo từ thạch và các sản phẩm khác xuất hiện khoảng 3-4 năm nay và có xu hướng ngày càng phổ biến.
“Nguyên nhân là nhiều gia đình ở thủ đô không gần ao hồ, khó thả cá hoặc lo bị đánh bắt, kích điện. Một số người sau khi phóng sinh lại vứt túi nilon bừa bãi trên vỉa hè, dưới sông hồ gây ô nhiễm. Trong khi các dòng bánh thạch cá chép sau khi cúng có thể thụ lộc, làm món tráng miệng, chống ngán”, bà Nga nói.
Bên cạnh việc sáng tạo các kiểu dáng thạch cá mới đáp ứng nhu cầu của người dân, bà Nga cũng làm thêm các khuôn làm thỏi vàng bày trí cùng. Nghệ nhân cho rằng việc làm thỏi vàng từ thạch khi cúng có thể thay cho vàng mã, thuận tiện cho các gia đình sống ở chung cư không gian chật chẹp, phòng chống cháy nổ, tránh láng phí.
Từng chia sẻ trên VnExpress, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Đình Sơn cho biết, tết ông Công ông Táo đã có lịch sử mấy nghìn năm với mục đích sâu xa là nhắc nhở mọi người biết sống theo đúng luân thường, đạo lý. Tuy nhiên ngày nay cuộc sống hiện đại chuộng hình thức, khoe mẽ làm làm phai nhạt các giá trị truyền thống. Hàng năm đến dịp này lại dậy sóng việc đốt vàng mã tràn lan và phóng sinh bừa bãi.
Theo ông Sơn, hóa vàng và thả cá là hai tập tục dân gian đã có từ lâu. Người dân được hóa vàng theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên không nên hóa vàng theo kiểu đốt quá nhiều làm ô nhiễm môi trường.
Quan niệm dân gian là thả cá chép cung cấp phương tiện cho ông Táo về trời. Còn thả cá trong nhà chùa là phóng sinh. Việc phóng sinh không có gì xấu nếu là cứu những con vật quý, các con vật sắp bị giết thịt về tự nhiên. Việc thả những loài vật, nhất là loài gây hại môi trường hoặc thả cá bừa bãi, xả rác ra môi trường là không đúng với quan điểm dân gian, cũng như nhà Phật.
Quỳnh Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cung-ong-tao-bang-ca-chep-kieu-moi-4707953.html