Tại Tọa đàm: “Luật Đất đai 2024: Nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam”, chiều 31/1, đại diện doanh nghiệp đều kỳ vọng, luật sớm đi vào cuộc sống, tạo cơ chế thông thoáng để sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhìn nhận rằng các ngành kinh tế đều liên quan chặt chẽ đến bất động sản. Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong cả nền kinh tế mà Luật Đất đai là luật xương sống. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn đối với Luật Đất đai mới.
Tuy nhiên, ông băn khoăn việc phân cấp quyền hạn cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện sẽ là bài toán mà tới đây các thông tư, nghị định hướng dẫn, các quyền hạn của cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện như nào để luật đó đi vào thực tế.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) góp phần phát huy tốt nguồn lực từ quỹ đất. Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng có thể làm tăng thêm hiệu quả của đất, do đó những cơ chế, chính sách cần rõ ràng sẽ khuyến khích được doanh nghiệp.
Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết trong quá trình đổi mới, đất đai đã và đang đóng góp nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội tại từng thời điểm, giai đoạn khác nhau. Luật mới được thông qua là một sự thành công lớn, song để đạt được những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn những điều băn khoăn.
Từ góc độ quan điểm cá nhân, Luật sư Tuấn cho rằng mâu thuẫn và xung đột lớn nhất trong Luật Đất đai là lợi ích tiêu dùng, thể hiện qua nhóm của thị trường bất động sản thành nhà ở, và nhóm lợi ích phát triển kinh tế thông qua doanh nghiệp bất động sản.
“Có hai nhóm lợi ích là nhóm lợi ích tiêu dùng và nhóm lợi ích phát triển kinh tế. Xung đột lớn nhất thông qua thị trường bất động sản nhà ở, còn các loại hình bất động sản khác, như bất động sản công nghiệp…có xung đột nhưng không cao. Thực tế khiếu nại, khiếu kiện chủ yếu tập trung vào loại hình bất động sản nhà ở”, Luật sư Tuấn lo ngại.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp là đại diện cho nhóm lợi ích phát triển để thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội và đô thị tại các địa phương. Vì thế, ông cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương cần tính đến yếu tố bảo hộ, phát triển được doanh nghiệp trong nước, chứ không phải chỉ củng cố cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Cũng nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Luật Đất đai đã cố gắng luật hóa những chế định quan trọng nhất, nhưng luật cũng không thể bao quát tất cả.
Để luật sớm đi vào cuộc sống, ông Tuấn cho rằng cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí có thể ban hành ngay trong năm nay luôn. Đặc biệt, vai trò giám sát của Quốc hội là rất quan trọng để đảm bảo việc thực thi luật tốt hơn.
Ông cũng nhận thấy, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò tích cực khi tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận liên quan đến Luật Đất đai. Khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia “thực chất, sâu sắc và chủ động”, chắc chắn sự chồng chéo trong các quy định, thủ tục sẽ được giảm bớt.
Mặc dù vậy, việc phát sinh những vướng mắc trong thực tế là điều khó tránh khỏi, bởi thực tiễn thực hiện Luật Đất đai 2013 đã thấy rõ điều này.
Vì thế, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng trong quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp, đối tác thấy “vướng ở đâu, không hợp pháp chỗ nào”, cần phản hồi kịp thời đến các đơn vị để tiếp nhận thông tin.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/can-co-che-ro-rang-khuyen-khich-doanh-nghiep-su-dung-hieu-qua-quy-dat.htm