Kế hoạch cắt giảm nhân lực đột ngột này diễn ra ngay cả khi cuộc bầu cử tổng thống đang nóng lên và sự chú ý của công chúng cũng như doanh thu tăng cao. Chỉ trong vài tuần đầu tiên của năm 2024, một số đơn vị truyền thông, báo chí đã công bố nhiều đợt sa thải nhân viên.
Đầu tuần này, tờ báo địa phương Los Angeles Times đã cắt giảm hơn 20% nhân sự toà soạn; tạp chí TIME cắt giảm hàng chục nhân viên trong khi tờ Business Insider cho biết họ sẽ cắt giảm 8% lực lượng lao động của mình. Hàng trăm nhân viên tại các tạp chí và báo như Condé Nast, Forbes, The New York Daily News… đã tổ chức các cuộc đình công lịch sử để phản đối kế hoạch cắt giảm nhân lực tại các toà soạn.
Đợt sa thải này là một phần của cơn bão lớn đang tấn công không ngừng nghỉ nhằm vào ngành báo chí. Trong 18 tháng qua, hầu hết các hãng tin đã buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn nhằm cắt giảm lực lượng lao động của mình.
Ở cấp quốc gia, các hãng tin lớn như CNN, The Washington Post, NPR, Vice Media, Sports Illustrated, Vox Media, NBC News, CNBC… cũng sa thải hàng loạt phóng viên đưa tin. Ở cấp địa phương, tình trạng cho nghỉ việc gần như liên tục. Hãng báo khổng lồ Gannett cắt giảm hàng trăm nhân viên. Các tờ báo nhỏ thực hiện thu hẹp hoạt động vốn.
Đợt sa thải mới xảy ra vào cuối năm 2023 đánh dấu một năm tồi tệ nhất về việc cắt giảm việc làm trong lĩnh vực báo chí kể từ khi đại dịch COVID-19 làm đảo lộn thế giới vào năm 2020, với khoảng 2.700 người làm trong lĩnh vực này bị mất việc.
Trong khi mỗi hãng truyền thông đang phải vật lộn với những thách thức riêng, tất cả đều phải đối mặt với những “cơn gió ngược” tàn khốc của ngành do cuộc cách mạng Internet và những tiến bộ công nghệ khác gây ra làm thay đổi cách công chúng xem tin tức và giải trí.
Những khán giả trước đây từng lướt các kênh truyền hình truyền thống đáng tin cậy, đọc báo trên các trang tin tức để tìm hiểu thời sự thì nay đã dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Netflix, dẫn đến xếp hạng và lưu lượng truy cập giảm mạnh. Sự thay đổi hành vi của độc giả đã khiến doanh thu tiếp thị thương hiệu giảm, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng khác có những công cụ hiệu quả giúp các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu một cách chính xác hơn. Bên cạnh đó, hành vi tiếp nhận tin tức thay đổi đồng nghĩa với việc người tiêu dùng tin tức hủy đăng ký với các nhà cung cấp báo và truyền hình, làm giảm doanh thu cố định.
Các hãng tin tức đều đang chứng kiến hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến của họ biến mất khi mạng xã hội và các “gã khổng lồ” tìm kiếm đang gần như chiếm trọn lĩnh vực này. Jay Rosen, Phó Giáo sư ngành Báo chí tại Đại học New York, nói với hãng tin CNN: “Ngành quảng cáo không cần ngành tin tức trong bối cảnh có rất nhiều cách khác để thu hút sự chú ý và rất nhiều cách tốt hơn để nhắm mục tiêu người dùng”.
Trong khi đó, Jeff Jarvis, Giáo sư Đổi mới Báo chí tại Trường Báo chí sau đại học Craig Newmark, chỉ ra: “Chủ sở hữu các hãng tin truyền thống, trừ một số người ngoại lệ, không thích nghi với sự phát triển như vũ bão của Internet. Họ vẫn giữ mô hình kinh doanh cũ kỹ – quảng cáo, đăng ký và nền kinh tế sức chú ý”. Trong nền kinh tế sức chú ý, các hãng truyền thông tiếp cận quản lý thông tin coi sức chú ý của con người như một mặt hàng khan hiếm. Rõ ràng, mô hình đó không phù hợp trong thời đại hiện nay khi chỉ cần gõ chữ và một cú nhấp chuột, độc giả có thể đọc loại tin tức họ muốn.
Theo Giáo sư Jarvis, phần lớn các hãng truyền thông hiện bị kiểm soát bởi các quỹ phòng hộ và những quỹ này sẽ không đầu tư hoặc đổi mới. Việc cắt giảm nhân sự là phản ứng có thể đoán trước được đối với vòng xoáy kinh doanh đi xuống ngày càng tồi tệ song điều này sẽ chỉ khiến các sản phẩm của những ấn phẩm này trở nên tồi tệ hơn, thúc đẩy vòng xoáy diễn ra nhanh hơn.
Việc sa thải nhân viên ở các hãng tin tức lớn xảy ra vào thời điểm đầy nguy hiểm đối với nước Mỹ. Các ứng cử viên phản dân chủ đã cố tình làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các cơ quan báo chí.
Margaret Sullivan, một biên tập phụ trách chuyên mục của tờ Guardian, người trước đây từng làm cho The Washington Post và The New York Times, nói với CNN rằng bà lo ngại tình hình cắt giảm nhân sự nhiều hơn nữa trong ngành báo chí sẽ gây ra những hậu quả lớn hơn cho đất nước, gây thiệt hại cho xã hội.
“Việc thiếu hụt các nhà báo góp phần vào sự gia tăng theo cấp số nhân của tình trạng khan hiếm tin tức chính thống tại những khu vực có diện tích rộng của đất nước. Điều đó thật tai hại khi thông tin sai lệch có thể tràn lan. Nền dân chủ cần những phóng viên hiểu biết để hoạt động nhưng số lượng này lại đang bị cắt giảm một cách đáng buồn ở nhiều khu vực”, nữ nhà báo Sullivan giải thích.
Nguồn tin: https://genk.vn/my-nganh-tin-tuc-chung-kien-lan-song-sa-thai-tan-khoc-ngay-dau-nam-20240129081832309.chn