Theo ông Đoàn Minh Xương, HLV Philippe Troussier cần xem lại cách dùng người và chiến lược ở Asian Cup 2023, nếu không muốn thất bại khi tái ngộ Indonesia tại vòng loại World Cup 2026.
– Từng là giảng viên bóng đá rồi HLV và chuyên gia đào tạo trẻ, ông cảm nhận thế nào về việc HLV Troussier trao nhiều trọng trách cho các cầu thủ trẻ ở Asian Cup vừa qua?
– Không phải đến Asian Cup, mà trước đó, thông qua các trận giao hữu và hai trận vòng loại World Cup 2026 với Philippines và Iraq, chúng ta thấy Troussier luôn ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ. Điển hình là những cầu thủ như Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng hay Nguyễn Đình Bắc luôn chắc suất đá chính. Qua giải đấu ở Qatar, chúng ta cũng ghi nhận được sự tiến bộ và nỗ lực của các cầu thủ này, song tôi khẳng định họ chưa đủ tầm để thay thế các đàn anh.
Troussier đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ cho bóng đá Việt Nam với đích đến là World Cup 2026. Nhưng theo tôi, đó là sự vội vàng. Trừ một số cầu thủ chấn thương hoặc đánh mất phong độ, những cựu binh còn lại như Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Hồ Tấn Tài, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức… đều ít được trọng dụng. Tôi nghĩ, nếu muốn chuyển giao, cũng nên sử dụng lứa cầu thủ đã chín muồi và “cấy” thêm cầu thủ trẻ. Trẻ hoá là tốt nhưng phải có lộ trình rõ ràng. Ví dụ, có thể cho họ đá hiệp hai, hoặc 15 phút cuối trận để tích luỹ. Trẻ hoá không có nghĩa là tung ra đội hình nhiều cầu thủ trẻ. Thiếu đàn anh dẫn dắt, họ dễ bị ngợp. Điều này đã được chính Troussier thừa nhận khi rút Nguyễn Thái Sơn khỏi sân ở đầu hiệp hai trận đấu Indonesia. Rõ ràng, qua ba trận đấu, chúng ta đã thấy, cầu thủ trẻ chưa đáp ứng được nhịp độ, lối chơi ở sân chơi châu lục.
– Trước giải đấu ở Qatar, ông cho rằng Việt Nam nên xác định đây là cơ hội để rèn giũa hướng đến những giải đấu thiết thực là AFF Cup 2024 và vòng loại World Cup 2026. Vậy, thực tế là đội tuyển có thể rút ra được điều gì?
– Theo tôi, Troussier đã không có một chiến lược cụ thể. Tôi nhấn mạnh thế này, sau khi bốc thăm, biết đối thủ và có lịch thi đấu, ông ấy cần bắt tay vào xây dựng kịch bản thi đấu rõ ràng. Chúng ta ở bảng đấu này xác định đối thủ chính là Indonesia chứ không phải Nhật Bản. Nhưng ông ấy đã tung hết cầu thủ tốt nhất, bung sức đấu Nhật Bản rồi đến trận Indonesia thì đuối sức. Tôi cũng không hiểu sao Hùng Dũng chơi ấn tượng trước Nhật Bản, nhưng lại dự bị khi đấu Indonesia. Tôi cũng bất ngờ khi tiền đạo trẻ Nguyễn Văn Tùng được đá chính, còn Văn Toàn không được trọng dụng dù có kinh nghiệm và tốc độ. Rõ ràng, khi Văn Toàn, Văn Thanh vào sân những phút cuối, chúng ta đã có cơ hội, điều đó cho thấy Troussier đã sai lầm khi quá tin dùng cầu thủ trẻ.
Bên cạnh việc sử dụng lực lượng chưa hợp lý, Troussier cũng không có một chiến thuật cụ thể. Triết lý kiểm soát bóng là tốt nhưng không phải gặp đối thủ nào cũng có thể áp dụng. Gặp Nhật Bản, Iraq mà chơi kiểm soát bóng là không hợp lý. Bởi khi kiểm soát bóng rồi thì bước tiếp theo là gì? Tấn công trung lộ hay tấn công biên. Nếu xây dựng tấn công biên, phải có tiền đạo cao to tì đè phía trong để kết thúc. Nhưng ở đây không có cầu thủ nào được xây dựng như thế.
Tôi cũng không hiểu sao gặp Iraq, ông ấy lại để Văn Khang đá tiền đạo. Cậu ấy chỉ là một hậu vệ biên có thiên hướng nhô cao tấn công. Nhưng Troussier lại “thử nghiệm” đá tiền đạo trước hàng thủ cao to của Iraq thì thật khó chấp nhận. Minh chứng là Văn Khang hoàn toàn vô hại rồi nhận thẻ đỏ vì những lỗi ngớ ngẩn mà bản thân cậu ấy ít được va chạm ở các vị trí đó.
– Việt Nam rời giải đấu với ba trận toàn thua, ghi bốn bàn, hai thẻ đỏ và chịu ba quả phạt đền. Những con số ấy nói lên điều gì?
– Bóng đá là những con số nhưng là con số trên bảng tỷ số. Nhìn vào tỷ số cả ba trận, chúng ta toàn thua nên chẳng còn ý nghĩa gì hết.
Việc ghi được bốn bàn vào lưới Nhật Bản và Iraq là tín hiệu đáng khen. Nhưng ba trong số đó được thực hiện từ tình huống cố định. Vậy triết lý kiểm soát bóng để làm gì khi các bàn thắng lại đến từ cố định? Tôi nói đùa với các đồng nghiệp rằng, Troussier nên từ bỏ xây dựng lối chơi kiểm soát mà chỉ tập trung vào phát góc, đá phạt thôi là đủ.
Còn về thẻ đỏ và phạt đền, theo tôi nó đến từ hệ quả của V-League và giải hạng Nhất. Ngoài việc cầu thủ thiếu kinh nghiệm, chính các giải trong nước được dung dưỡng quá nhiều, ban tổ chức chưa mạnh tay, trọng tài yếu kém, công nghệ sơ sài… Tổng hợp những điều đó khiến cầu thủ ra sân chơi lớn không theo kịp và dẫn đến hậu quả.
– Hiện người hâm mộ đội tuyển đang phân cực rõ rệt. Một bên vẫn đặt niềm tin và đề nghị cho HLV Troussier thêm thời gian. Một bên lại muốn sa thải Troussier ngay lập tức. Bản thân ông muốn gì?
– Tôi là người làm chuyên môn nhưng cũng là một người hâm mộ của đội tuyển nên rất buồn với những kết quả đó. Dù vậy, thay Troussier không thể thay thế một nền bóng đá. Thay vào đó, chúng ta phải chấp nhận, kiên nhẫn và xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất từ CLB đến đội tuyển. Bên cạnh đó là đào tạo HLV chuyên nghiệp, làm tốt công tác đào tạo trẻ, hoàn thiện hệ thống thi đấu quốc gia thực sự chuyên nghiệp. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần kết hợp với các địa phương, các CLB để cùng chung tay xây dựng bóng đá Việt Nam thì mới mong đội tuyển vươn mình ra biển lớn.
Điều quan trọng nữa, VFF cần xem lại quá trình tuyển chọn trợ lý của Troussier. Tôi nhận thấy các trợ lý dưới thời ông ấy làm việc không hiệu quả. Họ hầu như chỉ giúp việc ở các buổi tập chứ không có tiếng nói chung với HLV trưởng. Ngay cả phiên dịch viên, tôi cũng không thấy có vai trò gì khi trận đấu diễn ra. Troussier lẽ nào giỏi tiếng Việt đến mức có thể chỉ đạo cầu thủ, hay cầu thủ Việt Nam bây giờ giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp để lĩnh hội những gì ông ấy truyền tải? Tôi nghĩ VFF phải giải quyết vấn đề này sớm, đội ngũ trợ lý phải thực sự là “cánh tay nối dài” thì mới mang đến kết quả tích cực.
– Sau những trận thua vừa qua, ông có dự liệu thế nào khi Việt Nam đá vòng loại World Cup 2026 với Indonesia vào tháng 3?
– Quá lo lắng. Bởi, tinh thần toàn đội đang đi xuống. Cầu thủ lại nghỉ Tết Nguyên đán, sau đó trở lại với V-League được ít vòng rồi tập trung đội tuyển để đá hai trận với Indonesia. Tôi nghĩ sẽ có nhiều cầu thủ đánh mất phong độ và chấn thương. Cầu thủ trẻ như đã nói, chưa đủ độ để ra sân có thể “xanh chín” với đối phương.
Ngược lại, Indonesia tiến bộ vượt bậc, cầu thủ trẻ của họ đã được HLV Shin Tae-yong đào tạo và song hành cùng nhau suốt bốn năm qua. Họ bây giờ còn sử dụng cầu thủ nhập tịch đảm đương tốt các vị trí trước đây rất yếu. Do đó, nếu Troussier còn tiếp tục xây dựng lực lượng trẻ, tôi e rằng kết quả sẽ không khả quan.
Vì vậy, điều cần làm lúc này là ông ấy phải nghiêm túc nhìn lại quá trình sử dụng cầu thủ của mình như thế nào, bỏ bớt cái tôi và xây dựng nền tảng đội tuyển dựa trên lứa cầu thủ đàn anh và kết hợp với lớp trẻ. Tôi nói thật, Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tuấn Tài, Văn Thanh, Văn Toàn, Tiến Dũng, Duy Mạnh… là trụ cột ở CLB lớn, nhưng khi lên tuyển lại làm dự bị và nhìn đàn em chơi bóng thì làm sao chịu được. Từ đó họ dễ đánh mất động lực và sự cống hiến cho bóng đá, gây nên nhiều hệ luỵ.
Tôi nghĩ, nếu cải thiện được những vấn đề đó, Việt Nam vẫn đủ sức thắng Indonesia để vào vòng loại cuối của World Cup. Nếu thất bại, Troussier chắc chắn phải ra đi.
Đức Đồng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-gia-doan-minh-xuong-hlv-troussier-nen-bo-bot-cai-toi-4705844.html