Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa công bố báo cáo đổi mới và đầu tư công nghệ 2023, một báo cáo được phát hành thường niên. Dưới đây là những điểm chính:
Vốn đầu tư vào startup Việt Nam đạt 634 triệu USD năm 2022, giảm 56% so với năm trước đó do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Lượng vốn này đến từ 134 thương vụ đầu tư, giảm từ mức 165 của năm trước. Sau năm bùng nổ 2021, vốn đầu tư vào startup Việt Nam bị ảnh hưởng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng nhanh và thị trường biến động mạnh. Số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị giảm.
Hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, giá trị đầu tư các vòng gọi vốn từ 10 – 50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-Series A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm 2022.
Lĩnh vực dịch vụ tài chính tiếp tục hút vốn đầu tư nhiều nhất, tăng 248%. Vốn đầu tư vào fintech chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm % so với 2021. Bán lẻ là lĩnh vực hút nhiều vốn thứ hai, nhưng thực tế giảm 57% giá trị. Y tế, giáo dục, thanh toán tiếp tục nằm trong số lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.
Số lượng quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam giảm nhẹ. Quỹ Việt Nam lần đầu tiên trở thành nhóm đầu tư tích cực nhất, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, ảnh hưởng ngày càng tăng với các công ty khởi nghiệp trong nước.
Lời khuyên phổ biến cho các công ty khởi nghiệp trong bối cảnh biến động hiện nay là tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn khôn ngoan, và liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.
Báo cáo nêu Việt Nam vẫn là diểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao.