Phát triển hệ thống trạm sạc
Ở Mỹ, thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Tổng thống Joe Biden đã làm việc với Quốc hội để hạ giá xe điện (EV), đồng thời khuyến khích sản xuất EV và pin từ Mỹ, qua đó thu hút hơn 152 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực này kể từ khi ông nhậm chức.
Trên thực tế, 80% chủ xe điện cảm thấy thoải mái với việc sạc tại nhà, bên cạnh cảm giác lái, độ tin cậy và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn sạc công cộng là một trong những lý do chính, khiến người dân Mỹ phải cân nhắc. Các vấn đề kéo theo bao gồm lo ngại về phạm vi hoạt động của xe sau mỗi lần sạc, thời gian sạc.
Chính quyền Mỹ đã đầu tư 7,5 tỉ USD thông qua Luật Cơ sở hạ tầng để xây dựng hệ thống sạc trên toàn quốc. Tổng thống Biden cam kết xây dựng ít nhất 500.000 bộ sạc công cộng vào năm 2030.
Trong 7,5 tỉ USD dành cho mạng lưới sạc, 5 tỉ USD là để xây dựng “xương sống” dọc các quốc lộ và tuyến đường chính; 2,5 tỉ USD còn lại sẽ đổ về các địa phương để hỗ trợ dịch vụ sạc cũng như trợ giá thu phí.
Một vấn đề với mạng sạc EV ở Mỹ là có khá nhiều loại bộ sạc và phích cắm, trong khi một số bộ sạc nhất định chỉ tương thích với một số mẫu EV. Một phân tích gần đây cho thấy, giai đoạn 2011-2015, người tiêu dùng Mỹ đã phải chịu khoản lỗ trị giá 400 triệu USD do thiếu tiêu chuẩn sạc chung.
Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đã thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu cho tất cả các bộ sạc xe điện được tài trợ thông qua một số chương trình liên bang, đồng thời, đảm bảo các tiêu chuẩn này được trang bị những công nghệ tốt nhất. Các tiêu chuẩn này buộc các trạm sạc nhanh phải hỗ trợ hệ thống sạc kết hợp. Các tiêu chuẩn tính phí cũng phải được minh bạch.
Để giúp đảm bảo độ tin cậy của hệ thống sạc, các kỹ thuật viên phải được chứng nhận thông qua Chương trình đào tạo cơ sở hạ tầng xe điện. Hiện Mỹ có khoảng 20.000 nhân công đủ tiêu chuẩn.
Tại thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới, Anh đã ban hành quy định xây dựng sửa đổi về việc lắp đặt các điểm sạc xe điện hoặc các tuyến cáp. Trong đó, các yêu cầu mới như mỗi khu nhà mới có bãi đậu xe đều phải có điểm sạc xe điện; các khu dân cư có trên 10 chỗ đậu xe phải ít nhất một bộ sạc xe điện.
Giải bài toán thiếu nguồn cung điện
Bên kia Đại Tây Dương, điện khí hóa phương tiện giao thông là một trong những mục tiêu chính của Liên minh châu Âu (EU) để đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. EU sẽ cấm bán các phương tiện phát thải CO2 từ năm 2035, đồng thời tập trung phát triển mạng lưới các trạm sạc EV.
Tham vọng đó đã tạo ra những trở ngại cho các công ty điện lực và cơ quan quản lý khi nhu cầu tăng vọt. Hiện chỉ có 5,4% ôtô chở khách chạy bằng nhiên liệu thay thế, bao gồm cả xe điện, trong tổng số 286 triệu chiếc lưu hành.
Năm nay, EU đã thông qua luật lắp đặt bộ sạc nhanh vào năm 2030. Trong đó, cứ 60km sẽ có trạm sạc cho xe chở khách và cứ 100km cho xe hạng nặng. Tuy nhiên, theo các nhà phát triển, việc tính phí vẫn là thách thức khiến đầu tư trở nên khó khăn. Bởi lẽ, các công ty phân phối điện sẽ phải lắp đặt thêm trạm chuyển đổi nguồn điện cao áp thành nguồn nhỏ hơn để sạc EV.
Ông Peter Badik – đồng sáng lập Công ty Sạc xe điện Greenway Network, một công ty đã thiết lập 1.300 bộ sạc xe điện ở Slovakia, Croatia và Ba Lan – cho biết: “Ngay cả khi bên điện lực đồng ý, bạn cũng không biết khi nào họ sẽ nâng cấp”.
Một vấn đề khác được đặt ra với EU là thời gian phê duyệt dự án. Tập đoàn năng lượng Repsol đang gặp khó trong việc phát triển 1.600 trạm sạc ở Tây Ban Nha.
Công ty này phân tích: “Mặc dù lắp đặt một điểm sạc nhanh và cực nhanh chỉ cần hai đến ba tuần làm việc, nhưng do các yêu cầu hành chính khác nhau ở Tây Ban Nha, quá trình hoàn chỉnh… có thể kéo dài từ một đến hai năm”.
Để giải bài toán này, các chuyên gia của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đề xuất, có thể lắp đặt các trạm sạc dựa theo thói quen sinh hoạt của người dân.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/nhieu-nuoc-luat-hoa-quyen-sac-dien-1297038.ldo