Ngày 31/3/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty xây dựng năm 2023.
Các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong các nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành xây dựng với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022 kết hợp sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất về doanh nghiệp xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, làm nổi bật lên những tên tuổi sau:
Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2023
Dù trải qua một năm biến động, danh sách 10 nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam năm 2023 không có nhiều thay đổi so với năm ngoái.
Tuy vậy, sau những biến động về nhân sự thượng tầng, Hoà Bình mất vị trí top 1 của năm ngoái, “trùm xây dựng” Coteccons (CTD) lên đầu bảng. Ricons, Newtecons – hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục có 2 cái tên góp mặt trong top 5.
Hưng Thịnh Incons trượt top trong khi năm 2022 đứng cuối bảng xếp hạng. Gương mặt mới UDIC xuất hiện và đứng ở top 8, đẩy Ecoba xuống chót bảng.
Top 5 Nhà thầu cơ điện năm 2023
Cả 5 nhà thầu cơ điện được xướng tên năm ngoái đều ở lại danh sách năm nay của Vietnam Report với ngôi vương thuộc về Cơ điện lạnh REE.
Năm 2022 được ban lãnh đạo đánh giá là năm Tập đoàn REE đạt kết quả cao nhất kể từ khi cổ phần hóa năm 1993. Cụ thể, doanh thu 9.372 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.693 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, vượt 31% so với kế hoạch và là con số kỷ lục.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 10.962 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% so với năm 2022. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt 2.700 đồng.
Bên dưới, Hawee cơ điện và Sigma đã hoán đổi vị trí cho nhau. Trong khi Hawee tiến lên top 3 thì đối thủ lại đi lùi 1 hạng.
Toàn cảnh thị trường xây dựng 5 năm qua
“Sàng lọc” hay “tự điều chỉnh” là những cụm từ phản ánh rõ nét nhất về diễn biến thị trường xây dựng trong khoảng 5 năm trở lại đây sau giai đoạn tăng trưởng mạnh 2021-2015. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2021 chỉ đạt 0,63% – đây là mức rất thấp so với tăng trưởng trung bình 7,2% trong 10 năm trở lại đây.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 86,7% doanh nghiệp xây dựng cho biết tổng chi phí tăng lên so với năm trước, cao hơn so với tỷ lệ chi phí tăng lên giai đoạn 2020-2021 (+44,6%). Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận đều giảm, trong khi tỷ lệ chưa hoàn thành kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với thời điểm cách đây một năm.
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2022 đạt 8,17%, tuy vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng thời kì trước COVID-19 song cải thiện mạnh so với hai năm thị trường đình trệ do đại dịch.
Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report từ tháng 2/2020 đến nay cho thấy mặc dù hoạt động kinh doanh có phần trầm lắng do biến động thị trường nhưng hoạt động truyền thông của doanh nghiệp trong ngành vẫn rất tích cực, phần lớn nhà thầu đều có tần suất xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn những năm trước.
Hòa Bình và Coteccons vẫn là 2 nhà thầu thu hút truyền thông nhiều nhất. Fecon và Newteccon là những nhà thầu có tốc độ gia tăng tần suất xuất hiện trên truyền thông khá ổn định.
Triển vọng năm 2023
Phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện vào tháng 2/2023 tỏ ra khá thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm nay. Theo nhận định của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành, năm 2023 vẫn là một năm hết sức khó khăn đối với các nhà thầu bởi họ đang phải chịu sức ép tài chính rất lớn.
Giai đoạn 2023-2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Vào tháng 10/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố khoản đầu tư bổ sung 71,7 nghìn tỷ đồng (2,9 tỷ USD) vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tài trợ cho việc xây dựng đường bộ. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023 vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước ước đạt 153 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư công được dự báo sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới có thể tạo ra động lực phục hồi cho nhiều doanh nghiệp.
Trong bức tranh năm 2023, xây dựng công nghiệp vẫn sẽ là mảng sáng hỗ trợ tăng trưởng toàn ngành, với 66,7% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào một triển vọng sáng sủa hơn. Thời gian tới, các nguyên liệu thép/tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí xây dựng công nghiệp đang dần ổn định, biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp lĩnh vực này dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.