Ngày 25.1, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, trước và trong đợt rét đậm, rét hại lần này, số lượng người dân đến khám tại bệnh viện có phần tăng hơn.
Trước khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại (khi thay đổi thời tiết), số lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện tăng, trung bình khoảng 700 đến 800, trong đó có khoảng 1/3 số bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú.
Cũng theo đại diện bệnh viên này, các bệnh lý thường gặp chủ yếu về đường hô hấp (viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi…).
Để phòng ngừa các bệnh lý nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng trong những ngày rét đậm, rét hại, phụ huynh cần giữ ấm cho cơ thể cho trẻ, và cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh ăn các đồ ăn, đồ uống lạnh; tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ để phòng ngừa các bệnh lý có thể xảy ra.
“Đến thời điểm hiện tại, khi thời tiết đã lạnh hẳn, số lượng bệnh nhi cũng đang có chiều hướng “giảm nhiệt”, chỉ còn khoảng 500 đến 600 trường hợp. Hiện, toàn bệnh viện còn khoảng 1.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú” – đại diện Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thông tin.
Còn đại diện Bệnh viên Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, những ngày qua lượng bệnh nhân đến khám bệnh giảm, nhưng số ca mắc bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch, cúm nhập viện điều trị lại tăng nhiều.
Từ ngày 22.1 đến nay, Khoa Tim mạch của bệnh viện có hơn 83 bệnh nhân vào điều trị nhồi máu cơ tim cấp, tăng huyết áp, suy tim kèm theo viêm phổi. Riêng trong ngày 22.1, có 40 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng phải nằm phòng cấp cứu.
Cũng theo đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu nên nếu không có các biện pháp phòng, tránh thì người già, trẻ em (có khả năng miễn dịch yếu) sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp.
Thậm chí trong thời tiết lạnh, đối với những người bị các bệnh lý nền như: huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol… rất dễ bị đột quỵ, nếu không có các biện pháp phòng tránh.
“Để phòng các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h đêm đến 6h sáng. Khi ra ngoài nên trang bị đủ trang phục để giữ ấm cho cơ thể. Đối với những người bị mắc các bệnh như tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp… cần chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ” – đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo.
Theo Sở Y tế Thanh Hóa, trước tình hình rét đậm, rét hại như hiện nay, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.