Hiện nay nhiều ứng viên thường nói dối hoặc tâng bốc bản thân quá đà trong hồ sơ ứng tuyển. Theo cuộc khảo sát của Checkster với 400 ứng viên, 80% thừa nhận thường nói quá sự thật về năng lực bản thân khi xây dựng CV.
Đáng tiếc là hành động này luôn bị các chuyên gia “bắt bài” và đánh giá thấp. Theo Fast Company, trong CV không chỉ “phông bạt” là điều tối kỵ, 5 điểm dưới đây cũng được xem là vùng cấm có thể khiến bạn bị đánh trượt 80%.
1. Tổng thể CV lộn xộn
Một định dạng sơ yếu lý lịch phù hợp và hợp lý có thể khiến HR muốn đọc tiếp. Vì vậy điều cơ bản trong mỗi CV là sự chuẩn hoá về phông chữ, cỡ chữ, các căn chỉnh về khoảng cách dòng. Những quy chuẩn này không được chuẩn hoá sẽ khiến bộ phận nhân sự đánh giá bạn là một người thiếu cẩn thận và dễ dàng bỏ qua hồ sơ của bạn.
Ngoài ra, việc viết sai chính tả trong CV cũng được xem là điều tối kỵ. Vì thế bạn cần kiểm tra một cách cẩn thận từng chữ mình viết ra để tránh trừ điểm thanh lịch một cách ngớ ngẩn.
2. Nội dung CV thiếu logic
Nếu cấu trúc CV của bạn không hợp lý và nội dung không logic, bộ phận tuyển dụng sẽ khó tìm được từ khoá và điểm chính trong đó. Vì vậy nếu thoạt nhìn đã thấy không có điểm nhấn, chắc chắn CV của bạn dễ dàng bị bỏ qua.
Đây cũng là lỗi Bill Gates từng gặp phải khi chia sẻ CV của mình trên Linkedin vào năm 1974 được Stacie Haller, chuyên gia nghề nghiệp tại ResumBuilder.com chỉ ra.
Người này cho biết định dạng giống như đoạn văn của Gates hơi rườm rà và khiến việc hiểu thông tin quan trọng về quá trình làm việc của ông trở nên khó khăn. Haller bày tỏ: “Thật khó để tôi biết được đó là những công việc như thế nào. Tôi vẫn luôn suy nghĩ không ngừng về nó”.
Ngày nay, các nhà tuyển dụng có rất ít thời gian dành cho mỗi bản sơ yếu lý lịch. Trên thực tế, họ chỉ dành trung bình 7,4 giây cho mỗi lần sàng lọc đầu tiên, theo một nghiên cứu năm 2018 của trang web nghề nghiệp Ladders.
Darrisaw, huấn luyện viên sự nghiệp, đồng thời là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của C-Suite Coach nói: “Vì vậy, hãy luôn đảm bảo CV của bạn được sắp xếp logic nhất với những thông tin quan trọng. Lược bỏ những thứ rườm rà, không quan trọng”.
3. Mục tiêu nghề nghiệp không rõ ràng
Mục tiêu nghề nghiệp tức là đích đến vì thế khi viết trong hồ sơ, ứng viên phải gọi tên được nó. Nếu viết theo hướng kể lể, thiếu trọng tâm hay mơ hồ chung chung như muốn học hỏi kinh nghiệm Mục này bạn cần viết ngắn gọn, xác định được vị trí, thành tích mong muốn đạt được trong một lĩnh vực cụ thể. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng phần mục tiêu nghề nghiệp được đánh giá là đúng nếu viết theo hình thức sau.
Mục tiêu nghề nghiệp:
– Định hướng phát triển bản thân theo mảng tuyển dụng, áp dụng những kinh nghiệm mình đã, đang và sẽ có thể phục vụ cho công việc
– Mong muốn được làm việc trong một môi trường trẻ, năng động, có cơ hội phát triển bản thân rõ ràng hơn trong công việc và mang đến những giá trị cho công ty.
– Phấn đầu trong 2 năm trở thành chuyên viên tuyển dụng chuyên nghiệp
4. Liệt kê những kinh nghiệm không liên quan
Donna Svei chuyên gia về xây dựng sơ yếu lý lịch, người từng thực hiện hồ sơ cho nhiều lãnh đạo cấp cao từ nhiều tập đoàn như Amazon, Google, IBM… cho biết nhiều ứng viên thích liệt kê tràn lan kinh nghiệm làm việc, kể những vị trí tạm thời, chỉ gắn bó theo tháng. Hành động này thực tế gây nhiễu thông tin, dễ khiến nhà tuyển dụng bỏ lỡ nội dung đáng được chú tâm hơn. Đôi khi nhiều ứng viên đưa cả những kinh nghiệm, giải thường hay danh hiệu không liên quan đến vị trí hiện tại.
5. Nhồi nhét quá nhiều từ khoá
6 năm với tư cách là nhà tuyển dụng, Jermaine L. Murray – người sáng lập JupiterHR bày tỏ rằng gần đây có rất nhiều ứng viên đang cố gắng “nhồi nhét” rất nhiều từ khoá từ mô tả công việc vào trong CV. Nguyên nhân xuất phát từ việc những ứng viên tin rằng phần mềm quét CV mà nhiều nhà tuyển dụng sử dụng (được gọi là Hệ thống Theo dõi Ứng viên ATS) sẽ tự động từ chối những hồ sơ có quá ít từ khóa.
Nhưng đó không phải là tất cả và thực tế nhà tuyển dụng đang cần. Bởi chức năng chính của ATS là làm cho quá trình tuyển dụng dễ dàng hơn đối với các HR. Nó thực hiện những việc như theo dõi các ứng viên và tạo lịch phỏng vấn. HR sẽ là người quyết định từ chối bạn hay không. Vì vậy, chỉ bao gồm các từ khóa mô tả công việc khi chúng có mục đích thực sự và phù hợp với kinh nghiệm của bạn.