Gia tăng bệnh nhân hô hấp
Những ngày gần đây, thời tiết Hà Nội và các tỉnh thành phía bắc liên tục đảo chiều về mặt hình thế và nền nhiệt. Nhiều nơi mưa dầm dề suốt cả ngày kèm tình trạng rét hại. Sự biến động thời tiết là khắc tinh với sức khỏe người dân, đặc biệt là với người có bệnh mãn tính.
Ông Vũ Bá Hùng (Hà Nội) đến thăm khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với triệu chứng khởi phát ho kèm tức ngực và khó thở. Tình trạng bệnh đã kéo dài khoảng hơn 10 ngày nay khiến ông vô cùng mệt mỏi. Những cơn ho có đờm dai dẳng suốt cả ngày gây ảnh hưởng sức khỏe và bất tiện trong cuộc sống.
“Tôi còn có tiền sử bệnh tắc mạch phổi nên các triệu chứng hô hấp kéo dài gây ảnh hưởng đến bệnh tình” – ông Hùng cho hay.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số ca bệnh có các biểu hiện về đường hô hấp xếp hàng chờ thăm khám.
Bà Trần Thị Huyến (Đống Đa, Hà Nội) đưa con đến thăm khám từ sớm. Cả gia đình bà có 5 người ốm liên tục với những dấu hiệu ban đầu như ho sốt nhiều ngày không thuyên giảm dù đã điều trị thuốc.
Bác sĩ Đào Duy Tuyên – khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết, thời gian gần đây khi thời tiết chuyển biến, nhiệt độ thấp kèm theo chất lượng không khí xấu tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng các bệnh đường hô hấp trên như cúm, viêm xoang, viêm thanh quản và bệnh đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi.
“Trong đó, bệnh nhân cúm mùa tăng so với thời gian trước đó khoảng 30 – 50% tùy từng ngày và số lượng tiếp tục tăng. Không ít trường hợp diễn biến xấu khi bội nhiễm vi khuẩn và viêm phổi kết hợp” – bác sĩ Tuyên cho hay.
Biến chứng nguy hiểm khi đồng nhiễm bệnh hô hấp
Cũng theo bác sĩ Đào Duy Tuyên, mặc dù việc nhiễm nhiều loại virus đường hô hấp không quá phổ biến, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, việc đồng nhiễm COVID-19 với các bệnh đường hô hấp như cúm đã được ghi nhận.
“Theo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet, người mắc cùng lúc virus SARS-CoV-2 và virus cúm có nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 lần, trong khi nguy cơ thở máy tăng gấp 4 lần. Đồng nhiễm 2 loại virus cũng tăng nguy cơ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp do viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm cơ tim…” – bác sĩ Tuyên phân tích.
Bác sĩ Tuyên cũng khuyến cáo những đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc cùng lúc nhiều loại virus là trẻ em dưới 5 tuổi; người lớn trên 65 tuổi; những người có bệnh mãn tính và suy giảm miễn dịch; phụ nữ mang thai.
Với những biến chứng nguy hiểm khi mắc nhiều mặt bệnh về đường hô hấp, TS.BS Vũ Quốc Đạt – Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đã tư vấn phương pháp dự phòng. Theo đó, biện pháp dự phòng bền vững và tốt nhất là tiêm vaccine làm giảm tỉ lệ mắc bệnh. Nhóm đối tượng nguy cơ cao cần tiêm phòng trước mùa dịch.
“Tuy nhiên, hiệu quả chủ yếu của vaccine phòng bệnh về đường hô hấp như vaccine cúm là giảm tỉ lệ bệnh nặng, giảm nguy cơ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong” – bác sĩ Quốc Đạt nhấn mạnh.
Ngoài tiêm vaccine, những phương án dự phòng từ chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng. Trong đó, bác sĩ Đạt khuyến cáo cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hằng ngày, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi tiếp xúc ở nơi đông người.
Đồng thời, vệ sinh môi trường nơi ở và nơi làm việc thông thoáng.
“Khi có các biểu hiện về đường hô hấp như sốt, ho, đau ngực, khó thở… nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám phát hiện căn nguyên bệnh, điều trị hiệu quả. Người dân không nên tự ý điều trị kháng sinh khi chưa nhận diện được bệnh” – bác sĩ Đạt khuyến cáo.