Ngành có giá trị hàng tỷ USD này chính là bán dẫn. Theo ông Pat Gelsinger, CEO của Intel, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ): “Hạn chế xuất khẩu được các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan tiến hành áp dụng thời gian gần đây đã tạo nên rào cản lớn tới mức 7 – 10 nm đối với ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc. Chúng tôi hiện đang chạy đua với công nghệ dưới 2 nm và tiến tới 1,5 nm, chưa có dấu hiệu để cuộc đua này ngừng lại“.
Theo CEO của Intel, những hạn chế từ Mỹ và các quốc gia khác hiện này có thể sẽ kìm chân Trung Quốc phát triển bán dẫn trong 10 năm.
Trên thực tế, tập đoàn SMIC của Trung Quốc đã làm chủ được quy trình đóng gói 7nm và có thể sản xuất được lượng lớn chip phức tạp cho smartphone. Tuy nhiên, theo CNBC cho biết, công nghệ này vẫn còn đi sau TSMC và Samsung tới hơn 5 năm. Trong khi đó, công ty HLMC tại Thượng Hải chỉ mới bắt đầu tiến hành sản xuất thử nghiệm chip 14 nm FinFET kể từ năm 2020, tức là chậm hơn TSMC khoảng từ 9 – 10 năm.
Ông Pat Gelsinger cho biết, Trung Quốc không ngừng đổi mới sáng tạo. Nhưng bán dẫn là ngành công nghệ có sự kết nối rất cao và rộng khắp. Chẳng hạn, dây chuyền chế tạo chip cần có gương của Zeiss, thiết bị quang khắc từ ASML, hóa chết từ Nhật Bản và bản mạch gốc do Intel chế tạo. Tất cả những thứ này gộp lại sẽ tạo thành khoảng cách công nghệ có thể lên tới 10 năm. Nhưng lệnh hạn chế mới sẽ còn duy trì khoảng cách trên trong tương lai.
Hiện nay, tập đoàn SMIC và HLMC đang dùng máy móc chế tạo được nhập khẩu từ Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và sử dụng nguyên liệu thô từ Nhật Bản. Do đó, nếu bị cắt bỏ nguồn cung này, các công ty của Trung Quốc sẽ phải tự phát triển ra thiết bị sản xuất, các hóa chất và đặc biệt là quy trình dùng cho dây chuyền chế tạo chip bán dẫn tiên tiến.
Trung Quốc hiện đang cố gắng để bắt kịp công nghệ chế tạo máy quang khắc nhằm tăng khả năng tự chủ của chuỗi cung ứng nội địa. Thực tế, Shahai Micro Electronics Equipment (SMEE) đang là nhà sản xuất máy quang khắc duy nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ của nhà máy này vẫn còn thua kém nhiều so với ASML và những tập đoàn của Nhật Bản.
Ngành bán dẫn Trung Quốc gặp trở ngại
Trước đó, ngay 1/1, ngày đầu tiên của năm 2024, công ty công nghệ nổi tiếng ASML thông báo rằng, chính phủ Hà Lan đã thực hiện thu hồi một phần giấy phép xuất khẩu máy quang khắc DUV cho Trung Quốc. Cụ thể, một phần của giấy phép xuất khẩu hệ thống quang khắc NXT:2050i và NXT:2200i năm 2023 đã bị Hà Lan thu hồi. Quyết định này ảnh hưởng tới số lượng nhỏ khách hàng ở Trung Quốc.
Trong những năm qua, Trung Quốc được coi là thị trường lớn thứ ba của ASML và thực tế trở thành khách hàng lớn nhất trong quý III/2023, với 46% doanh số của ASML.
Động thái thu hồi một phần giấy phép xuất khẩu của Hà Lan đối với Trung Quốc được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ công bố quy định mới vào năm 2023, nhằm ngăn ASML xuất khẩu máy quang khắc NXT1930Di, nếu nó có chứa linh kiện của Mỹ.
Theo Reuters, quang khắc chính là quá trình in sơ đồ mạch lên trên bề mặt cảm quang của tấm silicon, bằng cách chiếu tia sáng về phía tấm nền silicon thông qua một đĩa thủy tinh đã được vẽ sẵn sơ đồ mạch. Theo đó, mạch càng nhỏ thì càng cần có các đèn chiếu tia sáng với bước sóng ngăn hơn.
Trong khi đó, ASML được coi là công ty công nghệ nổi tiếng, đóng vai trò then chốt ở trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Công ty này sở hữu 2 hệ thống sản xuất chip tiên tiến là DUV và hệ thống quang khắc có sử dụng tia siêu cực tím EUV hiện đại hơn nhiều lần. DUV sử dụng tia sáng với bước sóng là 193 nm, còn EUV có mức nhỏ hơn nhiều là 13,5 nm, nên cho phép các công ty có thể sản xuất chip hiện đại từ 5 nm trở xuống.
Bài viết tham khảo nguồn: CNBC, Reuters
Nguồn tin: https://genk.vn/mot-nganh-ty-usd-cua-trung-quoc-co-the-cham-chan-10-nam-so-voi-the-gioi-20240123080844872.chn