Ghi nhận, bức tranh tổng quan về tình hình đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngành công nghệ Việt Nam trong năm 2022 có những điểm chính như sau:
Thứ nhất, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% do suy thoái toàn cầu:
Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% dưới ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.
Thứ hai, đầu tư trong khoảng 10-50 triệu USD tăng ổn định :
Hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh, điều dó dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm 2022.
Thứ ba, Fintech tiếp tục thu hút đầu tư :
Lĩnh vực Dịch vụ Tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực Bán lẻ giảm 57% nhưng đây vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Y tế, Giáo dục, và Thanh toán tiếp tục nằm trong số các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.
Thứ tư, nhà đầu tư Việt lần đầu tiên dẫn đầu về hoạt động đầu tư :
Giữa “mùa đông gọi vốn”, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam, số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm qua. Đáng chú ý, các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường nội địa. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Việt Nam với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước.
Cuố i cùng, nhà đầu tư giữ góc nhìn lạc quan về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam :
Bất chấp môi trường đầu tư toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ tay nghề cao. Lời khuyên phổ biến nhất dành cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và công ty khởi nghiệp nói riêng trong bối cảnh hiện nay là tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn một cách khôn ngoan với cách tiếp cận chiến lược, và liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.
Tham gia trao đổi tại sự kiện, đại diện các startup đều cho biết tình hình khó khăn nên sẽ phải cẩn trọng hơn. Trong đó, DatBike theo founder Nguyễn Bá Cảnh Sơn vẫn đang tiếp tục huy động vốn để cải tiến sản phẩm, thì ông Trần Vũ Quang – đại diện OnPoint cho biết doanh nghiệp vẫn đang đủ vốn hoạt động và chưa có nhu cầu gọi thêm.
Riêng Cooky, ứng dụng giao thực phẩm, cho biết: “Công ty vẫn hoạt động như bình thường nhưng thận trọng hơn một chút, cố gắng giảm lỗ hết mức có thể”.
Founder là ông Đặng Hoàng Nhật Minh nói thêm, Cooky trả lương một phần cho nhân viên bằng thực phẩm, vừa giúp tăng đơn lại tiết giảm được chi phí. Dự đoán, phải đến cuối năm hoặc đầu năm sau thì thị trường mới bắt đầu tốt hơn.
Được biết, Cooky xuất phát điểm là trang web dạy nấu ăn, hiện đã phát triển thành đơn vị giao thực phẩm. Theo ông Minh, trong bối cảnh hiện nay tất cả các nền tảng giao thực phẩm như Cooky đều đang gặp khó. Song, điểm sáng một số công ty không còn lỗ, vẫn có lợi nhuận, và Cooky muốn học được những kinh nghiệm này.