“Interstellar” – Christopher Nolan đạo diễn – gây ấn tượng do dự đoán gần chính xác hình dạng hố đen vũ trụ.
Trí tuệ nhân tạo dần trở thành công cụ trực quan, dễ tiếp cận, mở ra hàng loạt xu hướng ứng dụng vào đời sống. Ở lĩnh vực phim ảnh, thể loại khoa học viễn tưởng giúp các đạo diễn nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ. Đồng thời, nhà làm phim có thể sáng tạo, tìm cách phác họa tương lai qua góc nhìn của mình.
Trang Den of Geek tổng hợp các tác phẩm có yếu tố dự đoán tương lai, được giới phê bình đánh giá cao về nội dung và nghệ thuật kể chuyện.
2001: A Space Odyssey (1968)
Tác phẩm do đạo diễn gạo cội Stanley Kubrick chỉ đạo, mượn một chuyến đi đến Sao Mộc để phản ánh chủ nghĩa hiện sinh, bản chất sự sống, sự tiến hóa của nhân loại và trí tuệ nhân tạo. Phim ra mắt ba năm trước khi Salyut-1 – trạm vũ trụ đầu tiên được phóng lên quỹ đạo thành công.
Ngoài ra, tác phẩm mô tả việc các phi hành gia sử dụng công nghệ màn hình phẳng và các phần mềm vi tính để giữ liên lạc với người thân, đồng nghiệp. 2001: A Space Odyssey góp phần khai mở trào lưu các phim khoa học viễn tưởng thập niên 1970 – 1980, được Viện Phim Mỹ (American Film Institute) chọn là tác phẩm phim khoa học viễn tưởng vĩ đại nhất mọi thời.
Blade Runner (1982)
Phim của Ridley Scott lấy bối cảnh thế giới tương lai, nơi ô nhiễm môi trường, khủng hoảng lương thực khiến cuộc sống của con người ngày càng khó khăn. Chính phủ sử dụng người máy nhân bản do Eldon Tyrell (Joe Turkel) chế tạo làm nguồn lao động chính. Đồng thời, lực lượng cảnh sát Blade Runner được lập ra để săn tìm người máy nổi loạn. Thông qua hành trình của thanh tra Rick Deckard (Harrison Ford), tác phẩm đặt ra nhiều câu hỏi về sự tồn tại, ý thức cá nhân cũng như sự phân biệt giữa con người và trí tuệ nhân tạo.
Theo Hollywood Reporter, phim gây ấn tượng khi xây dựng nhân vật người nhân bản có hình dáng giống con người, khi đều có cảm xúc, suy nghĩ riêng. Một trong những trường đoạn kinh điển là lúc Roy Batty (Rutger Hauer) – người máy nhân bản – đối đầu với Deckard. Ở cao trào, Roy cứu Deckard rồi chết do cơ thể ngừng hoạt động.
Brazil (1985)
Tác phẩm của đạo diễn Terry Gilliam lấy bối cảnh xã hội tương lai, nơi các chiến dịch đánh bom khủng bố chống chính quyền diễn ra 13 năm qua. Kỹ thuật viên Sam Lowry (Jonathan Pryce đóng) muốn thoát khỏi sự kiểm soát công nghệ và sự quan liêu của bộ máy chính quyền để sống trong giấc mơ của mình. Một lần, Sam vô tình gặp Jill Layton (Kim Greist), người có ngoại hình giống cô gái mà anh thường xuyên mơ về.
Phim nhận nhiều lời khen từ giới phê bình. Trang Chicago Reader nhận xét Brazil có nhiều chi tiết sáng tạo về bối cảnh, ảnh hưởng đến nhiều kiến trúc sư cuối thế kỷ 20, đầu những năm 2000. Tờ Wall Street Journal đánh giá: “Đạo diễn có tầm nhìn xa trông rộng, tập trung khám phá chủ nghĩa vị lai cổ điển với lối dẫn dắt hài hước”.
The Running Man (1987)
Bộ phim của đạo diễn Paul Michael Glaser lấy bối cảnh nước Mỹ suy tàn, xoay quanh hành trình cảnh sát Ben Richards (Arnold Schwarzenegger) tồn tại và trốn thoát khỏi trò chơi sinh tồn, nơi anh cùng những người bạn tù đối đầu với sát thủ chuyên nghiệp nhằm mua vui cho khán giả.
Nhiều chuyên trang điện ảnh đánh giá tác phẩm mở ra kỷ nguyên của game show truyền hình, với các thử thách như sinh tồn trên hoang đảo, làm nhiệm vụ để kiếm tiền. Trong đó, một trong những chương trình thực tế lấy cảm hứng từ The Running Man là Naked and Afraid, phát sóng trên kênh Discovery.
The Truman Show (1998)
Tác phẩm do Peter Weir đạo diễn, kể về tham vọng xây dựng chương trình thực tế vĩ đại nhất thế giới của nhà sản xuất Christof (Ed Harris). Ông nhận nuôi một em bé sơ sinh và đặt tên là Truman Burbank (Jim Carrey). Một phim trường khổng lồ được dựng lên, với hơn 5.000 máy quay được đặt khắp nơi và sự góp mặt của hàng trăm diễn viên đóng thế. Trong suốt 30 năm, Christof định hướng nỗi sợ, ước mơ và cuộc sống gia đình của Truman.
Variety nhận xét tác phẩm “tiên đoán” sự phát triển của Facebook, X (Twitter) và các mạng xã hội khác. Thông qua những ứng dụng này, con người thoải mái chia sẻ hình ảnh, cảm xúc, nhưng cũng có thể gây rắc rối. Bên cạnh đó, phim ẩn dụ cho sự khốn khổ của người nổi tiếng, khi liên tục bị soi mói, bàn tán về mình.
The Matrix (1999)
Phim do Lana và Lilly Wachowski đạo diễn và biên kịch, được xem là tượng đài trong dòng phim khoa học viễn tưởng. Nội dung xoay quanh Neo (Keanu Reeves đóng) – hacker máy tính mắc kẹt trong một thế giới ảo tên Ma Trận. Anh gia nhập nhóm người nổi dậy để đánh bại kẻ tạo ra nơi này.
Theo Variety, việc đi từ thế giới thực vào Ma Trận trong phim giống thói quen tiếp xúc với công nghệ và nền tảng mạng xã hội của con người ở thời đại ngày nay. Bên cạnh đó, Metaverse và công nghệ thực tế ảo (virtual reality, VR) ra đời cho phép con người tách biệt khỏi thế giới thực, có thêm nhiều trải nghiệm mới.
Phim giành bốn giải Oscar năm 2000 cho hạng mục kỹ xảo, dựng phim, âm thanh và chỉnh âm. Phần hai và ba – The Matrix Reloaded và The Matrix Revolutions – ra mắt năm 2003, biến Keanu Reeves thành ngôi sao Hollywood. Năm 2021, The Matrix: Resurrections công chiếu, nâng tổng doanh thu phim lên 1,7 tỷ USD.
Minority Report (2002)
Tác phẩm do Steven Spielberg đạo diễn, đặt bối cảnh tại Washington năm 2054, khi công nghệ đã đạt mức tối tân. Nước Mỹ có bộ ba máy tiên tri (Precogs) – dự báo trước nơi nào sắp xảy ra một vụ án mạng và báo cho đội cảnh sát PreCrime để họ ngăn chặn tội ác. John Anderton (Tom Cruise) là đội trưởng của PreCrime, được Precogs tiên đoán trở thành sát nhân trong 36 giờ tới. Trong khi bị lực lượng cảnh sát săn đuổi, John phải tìm ra sự thật đằng sau lời cáo buộc và nguồn gốc của Precogs.
Năm 2012, việc di chuyển dữ liệu – bằng cách vẫy tay như trong phim – thành hiện thực. Theo đó, công ty Oblong Industries (Mỹ) tạo ra phần mềm có giao diện tương tác bằng cử chỉ được gọi là G-Speak (Gesture Speak), giúp các công ty dễ dàng việc phân loại lượng video và dữ liệu khổng lồ.
Contagion (2011)
Nhiều chuyên trang diện ảnh nhận xét tác phẩm có nhiều điểm tương đồng với tình trạng bùng phát dịch viêm phổi từ virus Corona, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu năm 2020, chín năm sau khi phim ra mắt.
Nhiều nhà phê bình khen tác phẩm mô tả tài tình đặc điểm của một đại dịch như: sự nhiễu loạn thông tin trên mạng internet, cách phòng tránh bệnh, nạn đầu cơ tích trữ các nhu yếu phẩm. Kịch bản đặt ra câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại của con người. Cách kể chuyện thông minh và giàu hình ảnh tạo nên kịch tính, khiến người xem cảm nhận chân thực về sự lây lan của dịch bệnh.
Her (2013)
Phim của đạo diễn Spike Jonze tập trung khai thác đề tài nỗi cô đơn trong thế giới công nghệ, xoay quanh mối quan hệ giữa chàng trai cô độc nơi phố thị (Joaquin Phoenix) và trợ lý ảo Samantha, do Scarlett Johansson lồng tiếng.
Trang Film nhận xét khán giả có thể cười nhạo sự khờ khạo thảm hại của Theodore mà quên mất ngoài đời thật họ cũng có cảm giác phụ thuộc vào những chiếc điện thoại, máy tính bảng đời mới. Tác phẩm không công kích trực tiếp mặt trái của khoa học công nghệ mà cho rằng Theodore đã thay đổi, vượt qua được quá khứ và hướng tới tương lai nhờ sự giúp đỡ của Samantha.
Năm 2014, Her thắng hạng mục Kịch bản gốc hay nhất trong số năm đề cử. Năm 2016, trang BBC bình chọn phim đứng hạng 84 trong danh sách những dự án điện ảnh hay nhất phát hành sau năm 2000.
Interstellar (2014)
Theo IndieWire, năm 2014, đạo diễn Christopher Nolan tạo ra hình ảnh hố đen ngoài vũ trụ trong phim Interstellar bằng cách phối hợp các lý thuyết khoa học và phương trình toán học. Dù là phỏng đoán, nhà làm phim mô tả chính xác hiệu ứng bụi và khí màu cam của một lỗ đen thực sự, trước khi nhóm nhà khoa học thuộc chương trình Kính viễn vọng Chân trời sự kiện (EHT) chụp vầng sáng tạo thành từ bụi và khí bao quanh siêu hố đen ở trung tâm của thiên hà Messier 87 (M87) cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng, vào năm 2019.
Nolan thể hiện tham vọng với đề tài du hành không gian, đưa ra vô số những giả thuyết về vũ trụ, cùng nhiều thuật ngữ chuyên môn về ngành vật lý, lượng tử. Đồng thời, phim có nhiều nút thắt, nút mở với những khoảnh khắc gây bất ngờ với khán giả. Tác phẩm giành giải Oscar 2015 ở mục Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc.
Ngoài 10 phim trên, các tác phẩm nổi bật còn lại về dự đoán tương lai gồm: Colossus: The Forbin Project (1970), Soylent Green (1973), Logan’s Run (1976) và Back to the Future Part II (1989).
Quế Chi (theo Den of Geek)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-bo-phim-du-doan-tuong-lai-4682782.html