UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 54 (ngày 15/01/2024) về danh mục các dự án thu hút đầu tư năm 2024 và các dự án có tiềm năng đầu tư trên địa bàn tỉnh.
KÊU GỌI HƠN 3.000 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ
Danh mục kêu gọi thu hút đầu tư năm 2024 gồm 17 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.045 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ: 10 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.560 tỷ đồng. Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật: 01 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp cũng được kêu gọi đầu tư với 03 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 190 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục, môi trường: 03 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 245 tỷ đồng.
Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư với tổng vốn dự kiến 290.279 tỷ đồng cho 44 dự án tiềm năng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp lý để thu hút, kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ: 19 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 77.444 tỷ đồng. Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật: 03 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 320 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp: 19 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 212.265 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục, môi trường: 03 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng.
TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP NHÔM
Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, với trữ lượng bôxít của tỉnh cao nhất cả nước (chiếm khoảng 2/3 tổng trữ lượng với hơn 5,4 tỷ tấn). Tại Quyết định 1757/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông sẽ trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng…
Trước mắt, phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 9,05%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 130 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp đạt khoảng 26,3%; công nghiệp – xây dựng đạt khoảng 27,7%; dịch vụ đạt khoảng 40,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 5,2%.
Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Theo đó, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất bôxít-alumin-nhôm, sau nhôm; đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch.
Các dự án, công trình được ưu tiên thuộc lĩnh vực này bao gồm nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; dự án nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ từ 0,65 lên 0,8 triệu tấn/năm; dự án đầu tư dây chuyền sản xuất alumin thứ 2 (thuộc nhà máy alumin Nhân Cơ) với công suất 1,2 triệu tấn/năm; các dự án alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5 gắn với các khu vực, cụm mỏ đã được quy hoạch; và phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo quy hoạch quốc gia theo hướng tự sản, tự tiêu.
Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng là tỉnh có diện tích hồ tiêu gần 34.000 ha, đứng đầu cả nước. Cà phê hiện hơn 141.000 ha, đứng thứ 3 cả nước. Diện tích rừng hơn 250.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do đó, theo quy hoạch chiến lược phát triển của tỉnh sẽ phát triển các cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu) theo hướng tái canh, bền vững và áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ hiện đại. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phát triển các cây tiềm năng (mắc ca, dược liệu), các cây ăn quả, rau, hoa có giá trị kinh tế cao.
Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội, Đắk Nông sẽ xây dựng mô hình “một trung tâm, ba động lực tăng trưởng, bốn hành lang kinh tế, bốn tiểu vùng phát triển.” Theo đó, TP. Gia Nghĩa (thủ phủ của tỉnh Đắk Nông) là trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ của tỉnh. Đây cũng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Đắk R’lấp-Gia Nghĩa-Quảng Khê, 1 trong 3 động lực tăng trưởng của tỉnh Đắk Nông.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/dak-nong-keu-goi-dau-tu-loat-du-an-do-thi.htm