Đừng ngồi hoặc nằm ngay sau khi ăn
Nằm dài trên ghế để xem TV hay nằm nghỉ ngơi sau một ngày dài là sở thích của nhiều người sau khi ăn tối. Tuy nhiên thói quen này có thể khiến lượng đường huyết biến xấu. Nguyên nhân do bạn ít vận động và cơ bắp không đốt cháy hết lượng glucose dư thừa trong máu.
Không nên bỏ bữa sáng
Bữa tối không phải là bữa ăn quan trọng duy nhất mà bạn quan tâm trong ngày. Thực tế, các bữa ăn nhẹ đều có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt là bữa ăn đầu tiên trong ngày.
Bỏ bữa sáng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn vào cuối ngày. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên bỏ bữa sáng sẽ có lượng đường trong máu sau bữa ăn cao hơn sau bữa trưa và bữa tối. Bạn nên cân bằng bữa sáng với ít nhất 20 gram protein, tinh bột phức hợp và chất béo có lợi cho tim.
Có thói quen ngủ lành mạnh
Ngủ đủ giấc vào ban đêm rất quan trọng đối với tổng thể sức khỏe và tinh thần, đặc biệt trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết. Mỗi người nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Việc bỏ lỡ giấc ngủ chất lượng có thể kích hoạt các hormone gây căng thẳng làm tăng lượng đường trong máu. Thêm vào đó, tâm trạng căng thẳng sẽ làm gia tăng cảm giác thèm ăn, ủ rũ, khó chịu về thể chất, đường tiêu hóa cũng như xuất hiện nguy cơ mắc bệnh…
Đi dạo sau khi ăn
Đi dạo sau bữa ăn sẽ giúp giảm thiểu lượng đường trong máu vì cơ bắp của bạn sẽ sử dụng lượng glucose đó làm nhiên liệu. Đi bộ từ 10 – 20 phút, bạn sẽ có thể tận hưởng không khí trong lành, tiếp xúc với thiên nhiên và cải thiện tâm trạng một cách đáng kể.
Ăn phần lớn lượng calo vào đầu ngày
Bữa tối có thể được coi là bữa ăn lớn nhất trong ngày, nhưng nếu lượng đường trong máu tăng cao, bạn nên ngừng suy nghĩ như vậy. Việc ăn nhiều calo hơn vào đầu ngày có thể cải thiện lượng đường trong máu vì cơ thể chúng ta tuân theo nhịp sinh học – thời điểm xử lý thức ăn tốt hơn rơi vào ban ngày. Những người ăn bữa sáng và bữa trưa nhiều hơn, bữa tối ít đi đã được chứng minh là cải thiện lượng đường trong máu nhiều hơn với những người tiêu thụ cùng một lượng calo nhưng vào buổi tối.
Đầy đủ chất xơ trong các bữa ăn chính và bữa phụ
Khi bạn ăn bột mì trắng tinh chế, cơ thể bạn chỉ hấp thụ tinh bột và đường. Lượng đường huyết vì thế sẽ tăng đột biến và thiếu chất xơ để giữ mức ổn định hoặc làm chậm quá trình tiêu hóa.
Tập trung vào thực phẩm giàu chất xơ để không chỉ cân bằng lượng đường trong máu tăng sau bữa ăn mà còn hỗ trợ sức khỏe đường ruột, giữ cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động bình thường. Một số thực phẩm bạn có thể tham khảo như trái cây có vỏ, rau, đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt…