Hà NộiĐạo diễn Tsuyoshi Sugiyama dựng “Hồn Trương Ba da Hàng thịt” – đề cập thói xấu của con người – qua các thủ pháp kịch thể nghiệm, cường điệu.
Vở dài hơn hai tiếng, công diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội từ ngày 12 đến 14/1, do Nguyễn Hoàng Điệp sản xuất. Hoàng Điệp từng mời đạo diễn Nhật dàn dựng một tác phẩm vào ba năm trước, tuy nhiên, ông chưa dám bắt tay thực hiện vì muốn hiểu thêm về sân khấu Việt Nam. Đến khi tìm thấy cảm xúc với kịch Lưu Quang Vũ, Sugiyama quyết định thử sức.
Chọn dựng lại tác phẩm kinh điển, đạo diễn nói gặp nhiều áp lực bởi muốn mang màu sắc mới cho vở. Diễn biến tác phẩm được giữ theo kịch bản gốc, phản ánh những tắc trách của giới cầm quyền, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong nội tâm con người, bi kịch “hồn nọ phải sống trong xác kia” cùng thói đạo đức giả.
Tuy vậy, ở bản dựng mới, đạo diễn người Nhật lồng thông điệp qua góc nhìn và cách hiểu của riêng ông về tác phẩm: Mỗi người hãy trân trọng những giá trị xung quanh, thay vì mải chạy theo tiền tài hay tìm hạnh phúc ở những nơi xa vời. Điển hình là cảnh Trương Ba và con trai nói về giá trị của đồng tiền, những lý tưởng sống. Người con yêu thích nghề buôn bán, dùng đủ tiểu xảo để giàu sang, còn Trương Ba tâm huyết với mảnh vườn, muốn con nối nghiệp, cho rằng kiếm tiền phải chân chính.
Một số lời thoại có sắc thái hài hước được thêm thắt để phù hợp xã hội đương đại. Ở phân đoạn vợ anh hàng thịt (Kim Oanh) sang nhờ Trương Ba – lúc này đang là phần hồn – giúp cô bắt lợn, ông thấy vợ mình không thích, tỏ ý ghen tuông, bèn kêu than vợ người bán thịt gây phiền toái cho mình, nhưng vẫn nói “Tối tôi sang”, khiến khán giả bật cười.
Trong các phiên bản trước, nhân vật Đế Thích từng gắn liền thành công của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Tiến. Song, ở bản mới, nhân vật do diễn viên Hương Thủy đảm nhận. Người xem bất ngờ khi thấy tiên Đế Thích là phụ nữ xinh đẹp, quyền lực, thể hiện thông điệp bình đẳng giới trong xã hội hiện đại. Vợ Trương Ba (Chiều Xuân) ở những bản cũ được khắc họa là người dịu dàng, nhưng trong kịch bản mới, bà mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Sân khấu được dàn dựng tối giản màu sắc, đạo cụ, chỉ gồm tấm phông mô tả khu vườn nhà Trương Ba, một chiếc bàn, ghế, quan tài trắng. Đạo diễn chú trọng ngôn ngữ ước lệ, như cảnh Đế Thích chơi cờ với Trương Ba, Trưởng Hoạt trong không trung, hay làm phép để ông nhập vào xác anh hàng thịt (Xuân Tùng). Cảnh Trương Ba đột ngột qua đời được đạo diễn cường điệu hóa khi để ông quằn quại trong đau đớn trước khi mất.
Trang phục của các diễn viên mang màu sắc hiện đại hơn. Trong gia đình Trương Ba, vợ ông diện chiếc váy lụa thắt eo màu vàng, con trai gây chú ý với chiếc áo vàng ánh kim, tượng trưng cho con người luôn bị đồng tiền cám dỗ. Nam Tào, Bắc Đẩu không còn đội mũ, đi hia như xưa mà diện comple, đeo kính râm. Vợ anh hàng thịt mặc bộ váy đen có họa tiết ren, giày cao gót quyến rũ.
Nghệ sĩ Hoàng Tùng – vai Trương Ba – cho biết ban đầu định từ chối tham gia vở kịch của Sugiyama nhưng về sau bị thuyết phục bởi thông điệp ông muốn gửi gắm. “Đạo diễn đề cập từ khóa về sự ‘lãng quên’, khi con người đang dần quên đi những giá trị tưởng chừng nhỏ bé nhưng quan trọng trong cuộc sống. Đó là điều tôi chưa từng nghĩ đến ở vở kịch này”, diễn viên nói.
Ba ngày công diễn, vở thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem, ban tổ chức cho biết “cháy vé” khi mở bán. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh – con gái nghệ sĩ Trần Tiến – dành nhiều lời khen cho nhân vật Đế Thích trong bản dựng của Sugiyama. Từng chứng kiến hào quang của thế hệ trước với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lê Khanh luôn mong sân khấu hiện nay thổi luồng gió mới cho các tác phẩm quá quen thuộc.
Còn biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định: ”Kịch bản của Lưu Quang Vũ vốn là một văn bản có triết lý đa tầng. Theo tôi, bản dựng mới không làm mất đi tính chất đa tầng ấy”. Bà thích hình thức thể nghiệm và ước lệ của vở diễn, nhưng thấy tiếc vì phần kết – cuộc đối thoại giữa Đế Thích và Trương Ba trong xác anh hàng thịt – vòng vo, không đẩy được cao trào để chuyển tải thông điệp tốt hơn.
Bên cạnh ý kiến của giới chuyên môn, ở góc độ khán giả, một số người cho rằng chưa thể quen với bản dựng mới. “Tôi đi xem buổi công diễn đầu tiên vì yêu thích các tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Nhưng thấy hụt hẫng vì vở áp dụng khá sâu hình thức sân khấu thể nghiệm. Có lẽ bản dựng này cố chuyển tải những thông điệp ẩn chứa qua các tình tiết, nhưng tổng thể còn rời rạc, chưa kết nối thành một câu chuyện”, khán giả Bùi Thanh Mai, 45 tuổi, cho biết.
Tsuyoshi Sugiyama, từng theo học ngành sân khấu tại Nhà hát Kịch nghệ do Yutaka Wada thành lập và đạo diễn nghệ thuật tại Nhà hát Học thuật bang Mossovet ở Moskva, Nga. Đạo diễn thành lập nhà hát A La Place, dàn dựng loạt tác phẩm Bizarre, Balkan Spy, Tokyo và Paris, The Lesson.
Năm 2016, ông lần đầu đến Việt Nam, dịp Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ ba và đoạt giải nhất với tác phẩm Chim hải âu (Chekhov). Tháng 10/2020, Tsuyoshi hợp tác Nhà hát Tuổi trẻ với vai trò đạo diễn – cố vấn nghệ thuật. Ông từng dàn dựng vở Cậu Vanya (Uncle Vanya) cho Nhà hát, giành huy chương hàng Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế năm 2019, vở Hedda Gabler diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, hồi tháng 10/2022.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, Nguyễn Đình Nghi dựng thành kịch năm 1986, đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990, là vở kịch Việt Nam đầu tiên công diễn ở nước ngoài. Năm 2002, êkíp người Anh dựng lại vở, có tên The Butcher’s Skin.
Trước khi trở thành hiện tượng sân khấu, kịch bản từng bị nằm im tại ngăn kéo bản thảo của Lưu Quang Vũ 5 năm, bởi bị cho là “có vấn đề” trong việc phản ánh hiện thực. Với nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, vở được dựng theo lối ước lệ mang nhiều nét của nghệ thuật chèo, trở thành tác phẩm nổi bật nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam cuối thế kỷ 20. Sau 38 năm ra mắt, tác phẩm vẫn đậm tính thời sự khi phản ánh thói quan liêu và bi kịch nhân sinh.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Ngoài Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000. Ông mất năm 1988 cùng vợ – Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ – khi ấy sáu tuổi, trong một tai nạn xe hơi.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hon-truong-ba-da-hang-thit-qua-goc-nhin-dao-dien-nhat-4700954.html