Tự điều trị bằng thuốc ngoại
Người phụ nữ 64 tuổi ở Phú Thọ nhập viện sau 3 ngày uống thuốc giảm đau được mua ở nước ngoài, không có tem phụ. Bệnh nhân phải cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Cách ngày vào viện 5 ngày, bệnh nhân bị đau tay nên tự uống một loại thuốc xách tay từ Thái Lan về để giảm đau, mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần. Trước đó, bệnh nhân thấy chồng dùng thuốc này giảm đau nên đã tự uống.
Sau 3 ngày uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Các bác sĩ đã cấp cứu cho bệnh nhân với kết quả nội soi tiêu hóa cho thấy có loét dạ dày, loét hành tá tràng; hồng cầu trong máu giảm mạnh. Người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày, loét hành tá tràng. Bệnh nhân được điều trị thở oxy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Trung tâm từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc với những hóa chất bằng tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn. Các bác sĩ phải sử dụng Google để dịch nhưng cũng không rõ chính xác là chất gì. Ngoài ra, tâm lý của người Việt thường “sính” hàng xách tay, không có nhãn tiếng Việt, dẫn tới dễ nhầm lẫn trong sinh hoạt gây ngộ độc nặng.
Như trường hợp một nam bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc hóa chất nặng, dạ dày, thực quản hoại tử. Các bác sĩ đã nhanh chóng nội soi cấp cứu ngay trong đêm. Nguyên nhân là nam bệnh nhân uống hóa chất chưa xác định rõ.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, tốt nhất người tiêu dùng nên cảnh giác với các loại hóa chất gia dụng. Nên sử dụng các loại hóa chất có nhãn phụ tiếng Việt, biết rõ nguồn gốc. Khi tiếp xúc với hóa chất cần đeo găng tay. Các gia đình không nên bỏ hóa chất vào các chai, lọ đựng đồ uống có thể khiến người khác uống nhầm.
Cẩn thận hội chứng thuốc xách tay
Bằng các phương pháp thông thường, không dễ dàng để phát hiện thuốc thật, giả một cách chính xác. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc… là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật – giả. Tuy nhiên, vấn đề này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng: Thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm tới sức khoẻ của người sử dụng thuốc.
Người dân, nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì các loại thuốc này chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.