Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm, trong năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 11 trung tâm đăng kiểm thành lập mới; kiểm tra đánh giá định kỳ, cấp lại giấy chứng nhận cho 40 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động.
Tính tới thời điểm này, cả nước có 274/292 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động (tương đương 94%) với 447/542 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (tương đương hơn 82% năng lực kiểm định toàn hệ thống).
Hiện còn 18 Trung tâm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa.
Trong năm, Cục đã tổ chức 31 đợt đánh giá đăng kiểm viên, công nhận mới cho 295 đăng kiểm viên xe cơ giới và 279 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; thực hiện đánh giá, cấp lại chứng chỉ đăng kiểm viên cho 217 đăng kiểm viên xe cơ giới và 236 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Tính đến thời điểm báo cáo, cả nước có 1.747 đăng kiểm viên đang thực hiện công tác kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, trong đó có 1.002 đăng kiểm viên bậc cao và 745 đăng kiểm viên xe cơ giới.
“Trong năm 2024 được Cục Đăng kiểm nhận định là năm bản lề của lĩnh vực kiểm định xe cơ giới do có hàng loạt thay đổi lớn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo đó, Cục Đăng kiểm tập trung vào một số định hướng chính như, thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành theo hướng hoạt động kiểm định là việc cung cấp dịch vụ công và phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tôn chỉ mục tiêu phục vụ. Đây được coi là giải pháp gốc rễ vì từ nhận thức đúng thì hành động mới đúng.
Cục Đăng kiểm sẽ tiến hành hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác kiểm định. Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã thúc đẩy đổi mới trang thiết bị kiểm định theo hướng khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới, tăng tính chủ động, sáng tạo, tăng sự tự động hóa, kết nối nhằm giảm sự tác động, can thiệp chủ quan của con người; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý tập trung và được cập nhật thường xuyên trên cơ sở thời gian thực.
Các cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan hữu quan (thuế, đăng ký, quản lý đường bộ, …) để tăng hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.
Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo hướng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa phương để xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, áp dụng quản lý rủi ro nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Chiến Thắng thông tin thêm: “Năm 2024, Cục Đăng kiểm sẽ đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định phù hợp với thực tế, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác kiểm định”.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xa-hoi/nam-2023-ca-nuoc-dang-kiem-hon-53-trieu-phuong-tien-1292136.ldo